Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Kiểm tra - Tài chính

Cập nhật lúc : 09:57 24/07/2018

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp

Xác định 2 nhiệm vụ chủ yếu của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp (UBKT CĐ) là thực hiện kiểm tra và giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ, quản lý tài chính công đoàn; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, lao động. Thực trạng hoạt động UBKT CĐ còn những khó khăn, hạn chế, đó là:

- Nhận thức về vai trò, vị trí hoạt động của UBKT Công đoàn chưa đầy đủ;

- Hoạt động UBKT CĐ thiếu sự chỉ đạo thường xuyên của ban chấp hành công đoàn cùng cấp và của UBKT công đoàn cấp trên;

- Chương trình, kế hoạch, tổ chức hoạt động của UBKT CĐ còn dàn trải; cán bộ kiểm tra hầu hết kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ nên hiệu quả hoạt động thấp.

  Để nâng cao chất lượng hoạt động UBKT CĐ, cần có một số giải pháp sau:

     1. Giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí; quan tâm củng cố tổ chức, chỉ đạo hoạt động của UBKT CĐ Với ban chấp hành công đoàn các cấp, chỉ có nhận thức đúng vai trò, vị trí của UBKT CĐ thì mới quan tâm chỉ đạo hoạt động, củng cố tổ chức, bố trí cán bộ có chất lượng làm UBKT CĐ. Một số nơi, ban chấp hành xem nhẹ vai trò của UBKT, ít quan tâm chỉ đạo, khoán trắng hoạt động, ít xem xét kiến nghị của Đoàn kiểm tra. Với UBKT CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cần bố trí cán bộ là phó chủ tịch hoặc ủy viên thường vụ chuyên trách làm chủ nhiệm UBKT mới có hiệu quả. Ban chấp hành cùng cấp và UBKT CĐ cấp trên trực tiếp cần chỉ đạo, hướng dẫn UBKT đồng cấp và cấp dưới xây dựng kế hoạch, định kỳ báo cáo tình hình để kiểm tra, đôn đốc, đánh giá. Đối với UBKT CĐ các cấp, cần nhận thức trách nhiệm kiểm tra là lấy xây dựng, ngăn ngừa, chấn chỉnh làm mục tiêu chính nhưng phải xử lý nghiêm, kịp thời các sai sót, vi phạm. Trong hoạt động phải duy trì hài hòa các mối quan hệ. UBKT CĐ là cấp tham mưu cho ban chấp hành, ban thường vụ cùng cấp về lĩnh vực kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời có mối quan hệ phối hợp với ban chấp hành công đoàn trực thuộc và thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối với UBKT CĐ cấp dưới. Trong kế hoạch kiểm tra phải tập trung các vấn đề thực tiễn, hướng đến những vấn đề nóng cần xem xét, những cơ sở hạn chế, yếu kém cần giải quyết.

         Để có vị trí trong tổ chức, UBKT CĐ phải tích cực có những hoạt động thiết thực cho nhiệm vụ chung. Hoạt động kiểm tra ngoài mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ, công tác tài chính, còn tham gia phát triển đoàn viên, thu kinh phí, phát hiện bất cập để kiến nghị các giải pháp khắc phục có hiệu quả. UBKT CĐ cấp trên cần kiểm tra cơ sở nhiều hơn, đồng thời chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia khởi kiện để khẳng định vai trò quan trọng trong tham gia quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, lao động.

           2. Giải pháp kết hợp kiểm tra thực hiện Điều lệ với công tác tài chính và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm: Với số cơ sở và số cuộc kiểm tra như hiện nay thì trong 5 năm, nếu kiểm tra thực hiện Điều lệ riêng biệt với tài chính thì UBKT CĐ cấp trên chỉ thực hiện kiểm tra được 50% đầu mối cơ sở. Mặt khác, cán bộ kiểm tra cơ sở hầu hết kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng hoạt động của cơ sở ít hiệu quả. Để khắc phục, UBKT CĐ phải có giải pháp kết hợp kiểm tra thực hiện Điều lệ với tài chính như là một sự tích hợp nhiều nội dung, nhiều thời điểm để đảm bảo tiết kiệm thời gian, kiểm tra được nhiều đơn vị, kiểm tra toàn diện để có cách nhìn đầy đủ, đánh giá tổng hợp, tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, vừa trùng lặp, vừa bỏ sót. Trong kiểm tra cần lựa chọn các cơ sở hoạt động thiếu nề nếp, việc thu, nộp, chi tiêu kinh phí chưa tốt; trong nội dung kiểm tra phải sâu sát, cần chú trọng đến lĩnh vực nhảy cảm, vướng mắc như phân phối, cấp phát kinh phí, tạo nguồn thu không đúng, đặt ra nội dung chi không phù hợp, vận dụng chi sai nguyên tắc. Đồng thời với việc phát hiện sai trái để xử lý thì quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho cơ sở về nghiệp vụ, hướng khắc phục các hạn chế để từ đó tạo ra sự đồng thuận cao giữa Đoàn kiểm tra với đối tượng được kiểm tra trong việc thực hiện những nội dung đánh giá kết luận để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung.

         3. Nâng cao hiệu quả của công đoàn tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo : Tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) là lĩnh vực đòi hỏi cán bộ có phẩm chất, trình độ, hiểu biết pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và phải có phương pháp, kỹ năng ở một số yêu cầu sau đây:

            Một là, nắm rõ vai trò, vị trí của Công đoàn trong tham gia giải quyết KNTC để xác định đúng phạm vi trách nhiệm Khác với hoạt động của cơ quan Nhà nước, việc tham gia giải quyết KNTC của tổ chức Công đoàn không gắn với quyền lực, không mang tính cưỡng chế Nhà nước, mà thường áp dụng các biện pháp mang tính giáo dục, thuyết phục là chủ yếu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hoạt động của Công đoàn cũng được pháp luật quy định mang tính quyền lực pháp lý, như Công đoàn được quyền trực tiếp kiến nghị với cơ quan Nhà nước, được đại diện trước pháp luật để khởi kiện, lãnh đạo đình công nhằm loại trừ nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật, kỷ luật Nhà nước.    

           Như vậy, tính đặc trưng về vai trò, vị trí của Công đoàn trong tham gia giải quyết KNTC vừa được thể hiện ở mặt pháp lý khi được pháp luật quy định, mang tính trách nhiệm, có yếu tố quyền lực, vừa được thể hiện ở khía cạnh mang tính vận động, thuyết phục, không mang tính quyền lực, cưỡng chế. Có nhận thức đúng đặc trưng này thì quá trình giải quyết KNTC của Công đoàn mới bảo đảm không bị sa vào hành chính hóa nhà nước những vẫn bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của tổ chức.

       Hai là, xác định đặc trưng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của các KNTC mà công đoàn tham gia giải quyết để áp dụng đúng các quy định pháp luật. Giải quyết KNTC tranh chấp lao động mà công đoàn tham gia giải quyết có đối tượng, phạm vi điều chỉnh thường xảy ra trong lĩnh vực quan hệ lao động do phát sinh từ các vấn đề về tiền lương, hợp đồng lao động, BHXH.. giữa người lao động với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động, chứ không phải ở các quan hệ khác. Ngoài ra, cũng cần phân biệt tranh chấp lao động tập thể với cá nhân để chọn lựa cách thức giải quyết... Nắm rõ vấn đề này là để xác định KNTC từ tranh chấp lao động mà công đoàn tham gia giải quyết phải được áp dụng các quy định theo Bộ luật lao động và một số quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo nhằm bảo đảm giải quyết đúng pháp luật.

          Ba là, nắm rõ thẩm quyền, trình tự tham gia giải quyết KNTC của CĐ để vận dụng thực hiện linh hoạt, đúng quy định, có hiệu quả. Theo quy định, khi KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước cùng cấp với công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó tham gia giải quyết theo thủ tục lần đầu.

       Trường hợp chưa có công đoàn đồng cấp thì công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện tham gia giải quyết. Nếu nội dung giải quyết lần đầu mà người khiếu nại, công đoàn cùng cấp không đồng ý, hoặc hết thời hạn mà không được giải quyết thì có quyền gửi đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp giải quyết theo thủ tục lần 2 hoặc gửi đến tòa án giải quyết theo các quy định pháp luật. Công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc giải quyết và hướng dẫn, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công đoàn cấp dưới. Xác định trình tự, trách nhiệm trên là để tham gia giải quyết linh hoạt, đúng quy định, có hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành.

        Trong thực tế, công đoàn cơ sở phát huy vai trò giải quyết KNTC rất hạn chế. Do đó, công đoàn cấp trên cần vận dụng linh hoạt để hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở trong bước giải quyết KNTC ở giai đoạn đầu thông qua việc chủ động tiếp cận với cơ quan nhà nước, người sử dụng lao động đề tác động, thương lượng, hòa giải bằng những cơ sở pháp lý với vận động thuyết phục một cách thấu tình, đạt lý, hài hòa lợi ích của các bên để tránh bị đẩy lên những xung đột có tính đối kháng, thường sẽ sớm mang lại kết quả cao. Đó là sự vận dụng tích cực những gì pháp luật không quy định nhưng pháp luật không cấm, phù hợp với đặc trưng hoạt động công đoàn.

      4. Giải pháp xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cán bộ UBKT CĐ: Hoạt động UBKT CĐ trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến các ban của LĐLĐ tỉnh và các ngành lao động, thanh tra, bảo hiểm xã hội. Chất lượng hoạt động của UBKT CĐ là quan trọng, đòi hỏi cán bộ UBKT CĐ có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, có kiến thức tổng hợp toàn diện, có kiến thức chuyên sâu ở một số lĩnh vực, nắm chắc phương pháp kiểm tra và có kinh nghiệm trong xử lý những vấn đề thực tiễn.

            Để khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ UBKT CĐ hầu hết làm kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, thiếu nghiệp vụ kiểm tra CĐ, UBKT CĐ phải xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp trong công tác với các đơn vị, cá nhân có liên quan để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho tổ chức. Trong quy chế hoạt động của UBKT CĐ cần quy định rõ quyền, trách nhiệm giữa UBKT CĐ với ban chấp hành, ban thường vụ cùng cấp, với các ban chuyên đề, với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong phối hợp nghiệp vụ, thông tin tình hình để có cơ sở cùng tập trung giải quyết. Trong bố trí cán bộ phối hợp từ các cơ quan Nhà nước như Tài chính, Thanh tra, Lao động, cần cơ cấu người có chuyên môn kiểm tra, tâm huyết, kinh nghiệm hoạt động công đoàn; ở một số lĩnh vực chuyên môn của từng vụ việc có thể mời cán bộ chuyên sâu tham gia đoàn kiểm tra để xử lý từng vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của UBKT CĐ. Trong quy hoạch, bố trí cán bộ UBKT, cần chuẩn hóa tiêu chuẩn, là người có kiến thức về luật, tài chính để từ đó định hướng tạo nguồn, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngành học theo yêu cầu công việc, bố trí cán bộ có tính ổn định lâu dài. Về bồi dưỡng cán bộ, cần hướng đến những yếu tố bản lĩnh, trung thực, có năng lực chuyên môn, có kiến thức toàn diện, am hiểu về Điều lệ Công đoàn, về pháp luật lao động, tài chính, chế độ chính sách, quản lý kinh tế- xã hội, có cách nhìn thực tế, có kỹ năng hoạt đông thực tiễn, kỹ năng phân tích tổng hợp, đánh giá, kết luận khi kiểm tra; kỹ năng đàm phán trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBKT LĐLĐ tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các ban của LĐLĐ tỉnh để biên soạn tài liệu, cập nhật các thông tin, các vấn đề thực tiễn để tổ chức hàng năm các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cán bộ UBKT CĐ, chủ động giải quyết những vấn đề vướng mắc tại cơ sở. UBKT LĐLĐ tỉnh cần bố trí cán bộ về trực tiếp tham gia với hoạt động của UBKT cấp dưới, sẽ có tác dụng vừa hỗ trợ cho cơ sở vừa là cách tự nâng cao năng lực thực tế cho cán bộ kiểm tra các cấp. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mỗi người làm công tác kiểm tra phải tự ý thức, có phương pháp, chủ động trong tự học, tự rèn để tự bồi bổ kiến thức, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân.

           Kết luận: Thời gian qua, trên cơ sở hoạt động thực tiễn của bản thân, từ những kết quả làm được cũng như hạn chế chưa làm được, bản thân đã đúc kết vấn đề như là những giải pháp căn bản nhằm phát huy những mặt mạnh, khắc phục các điểm yếu. Với những giải pháp chủ yếu trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân đã có sự vận dụng và đã mang lại hiệu quả ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, do nhiệm kỳ đầu mới tiếp cận công việc, đội ngũ cán bộ UBKT LĐLĐ tỉnh thường xuyên biến động (thay 5 người/ nhiệm kỳ), năng lực cán bộ UBKT CĐ cấp dưới hạn chế nên đã gặp khó khăn trong việc áp dụng các giải pháp đề tháo gỡ kịp thời những hạn chế. Thời gian tới, nếu tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm này sẽ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động UBKT CĐ, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh./.

                                                               Hoàng Văn Nam- Chủ nhiệm UBKT LĐLĐ tinh

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---