Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Tuyên truyền giáo dục - Nữ công

Cập nhật lúc : 16:18 19/08/2019

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ Công đoàn trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện các phong trào cơ sở

Công đoàn cơ sở (CĐCS) là cấp công đoàn trực tiếp quan hệ với đoàn viên và người lao động, trực tiếp triển khai tổ chức nhiệm vụ, hoạt động công đoàn, chính vì vậy có thể nói CĐCS là khâu quan trọng, nền tảng của tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn muốn vững mạnh trước hết phải vững mạnh từ CĐCS, có nhiều CĐCS vững mạnh thì cả hệ thống công đoàn mới vững mạnh. Kết quả hoạt động công đoàn cơ sở là thước đo toàn bộ hoạt động của tổ chức công đoàn, như Đại hội IV Công đoàn Việt Nam năm 1978 đã nêu: “Cơ sở là cột sống, là nền tảng, là địa bàn hoạt động của công đoàn. Hoạt động công đoàn cơ sở mạnh hay yếu là thước đo kết quả của toàn bộ hệ thống công đoàn. Yêu cầu xây dựng, củng cố công đoàn cơ sở trở thành hoạt động của đông đảo đoàn viên và công nhân, viên chức…”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên. Người thường xuyên căn dặn “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, theo Người “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bên cạnh những nguyên tắc cơ bản của tổ chức và hoạt động của công hội trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều chỉ đạo quan trọng về phương thức hoạt động công đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tư duy hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn: “Nơi ăn xấu là vì cán bộ công đoàn không săn sóc đến công việc bếp núc, không cùng ăn, ở với công nhân, là vì có cán bộ công đoàn còn cho công việc bếp núc là hèn hạ, cho rằng công đoàn thì phải có chỉ thị này, thông tri khác mà ít chú ý đến đời sống hàng ngày của công nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán chỉ rõ sự quan liêu của công đoàn: “... Muốn đạt mục đích “đẩy mạnh gia tăng sản xuất, thực hành tiết kiệm” thì cán bộ công đoàn cần phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo phải dân chủ, phải cùng công nhân đồng cam cộng khổ, phải hòa mình với công nhân thành một khối, phải gương mẫu. Nếu không cùng công nhân hòa thành một khối, là quan liêu”. Giải pháp khắc phục cơ bản: “Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên thường xuyên đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”.

Đảng ta thường xuyên chỉ đạo công đoàn quan tâm đổi mới phương thức hoạt động. Nghị quyết 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” yêu cầu: “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp... Các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động”.

Để CĐCS vững mạnh, trước hết phải có đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, tâm huyết, nhiệt tình để dẫn dắt hoạt động của CĐCS đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Mỗi thời kỳ hoạt động công đoàn có những đặc điểm riêng. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bên cạnh những cơ hội còn có thách thức đối với tổ chức công đoàn từ quyền lựa chọn tổ chức thực hiện quyền đại diện của người lao động.         

Chính vì vậy, mỗi một cán bộ công đoàn trước hết cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương của bản thân mình. Cần tự giác, gương mẫu, đi đầu về tư tưởng, chính trị; về đạo đức, lối sống; về tác phong sinh hoạt và công tác, tự giác nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi thấu hiểu tâm tư, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động. Để tổ chức tốt các phong trào ở cơ sở, cán bộ công đoàn phải làm việc bằng cái tâm, nắm được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, khi tổ chức các phong trào hay các hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của họ.

Hướng về cơ sở không có nghĩa là chỉ giao đầu việc cho cơ sở đăng cai mà còn phải có giải pháp đồng bộ, hoạt động thực chất, lan tỏa cho đoàn viên và người lao động, đồng thời phải xem xét cơ sở có hưởng ứng và đoàn viên, người lao động có tham gia không. Tổ chức, thiết kế hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của đoàn viên và người lao động. Ở đây, muốn nói đến góc độ lắng nghe và chia sẻ của cán bộ công đoàn với đoàn viên và người lao động. Cán bộ công đoàn phải gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại thường xuyên thì mới biết đoàn viên và người lao động đang cần gì ở Công đoàn và Công đoàn cần làm gì cho họ để đưa ra bài học trong quá trình chỉ đạo, xây dựng các phong trào, các mô hình và triển khai thực hiện.

Nguyễn Tâm Nhân

Tư vấn pháp luật

Em là giáo viên tại một trường tiểu học. Em đã được nhận bằng khen của ... 

Trả lời:

Theo định tại Điều 3 Thông tư 08/2013//TT-BNV thì điều kiện nâng bậc lương ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---