Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Tuyên truyền giáo dục - Nữ công

Cập nhật lúc : 16:05 19/11/2018

Tăng cường vai trò của công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ trong các khu công nghiệp Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng lớn, đặc biệt tỷ lệ lao động nữ trong các KCN, KCX. Bên cạnh các kết quả đã đạt được thì cũng còn những thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ tại các KCN, KCX. Nhận thức rõ những thách thức và yêu cầu trong giai đoạn mới; nhằm tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ, tổ chức công đoàn đã và đang chủ động, tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng và đề xuất, phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng, ban hành các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử về giới, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh hoạt động bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ;tạo sự chuyển biến trong việc giải quyết một số nhu cầu bức thiết của lao động nữ, phát huy vai trò lao động nữ tham gia phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đ/c Nguyễn Thị Thu Hồng Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN

         Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng lớn, chiếm khoảng 48,06 % tổng số lao động trong khu vực có quan hệ lao động, đặc biệt tỷ lệ lao động nữ trong các KCN, KCX ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2016, toàn quốc có 325 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với 2.989.613 lao động, trong đó có 1.188.291 lao động nữ (chiếm 63%)[1]. Nhu cầu cao về lao động làm việc tại các KCN, KCX, dẫn tới gia tăng dân số ở các khu vực này, trong đó chủ yếu là lao động nhập cư, có nơi tỷ lệ lao động nhập cư chiếm trên 50%.

           Xác định bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của các cấp công đoàn. Trong nhiều năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động, Chiến lược về bình đẳng giới, như: Nghị quyết 6b ngày 29/1/2011 vể công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 12b ngày 12/7/2017 về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam về bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2015, 2016 -2020; Kế hoạch  triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020.

           Để thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ, Tổng Liên đoàn xác định công tác nữ công là trách nhiệm của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam  được ghi rõ trong Điều lệ Công đoàn, các Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn cũng như Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã khẳng định công tác vận động nữ CNVCLĐ là một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam. 

           Từ những xác định quan trọng về vai trò của công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực tham gia hiệu quả xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng và đề xuất, phối hợp với các cơ quan nhà nước  xây dựng, ban hành các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử về giới, để có những chính sách ưu tiên hơn đối với lao động nữ, bảo vệ quyền của lao động nữ, cũng như hỗ trợ  các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, như: Bộ luật Lao động sửa đổi (2012) đã có một số Điều, khoản quy định những nguyên tắc bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ và dành riêng Chương X với 8 Điều quy định riêng đối với lao động nữ; Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định bình đẳng giới trong nghỉ thai sản, chăm sóc con, v.v… Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở cáckhu công nghiệp, khu chế xuất; Chỉ thị số 52/CT- TW ngày 11/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lănh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. 

        Không chỉ tham gia xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật nhà nước liên quan đến lao động nữ, Tổng LĐLĐ Việt Nam  đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh hoạt động bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ, như: tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn về bình đẳng giới và chính sách lao động nữ và lồng ghép trong nội dung hoạt động công đoàn, và từng bước vận dụng có hiệu quả vào hoạt động thực tế tại cơ sở. Nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới được triển khai có hiệu quả như: mô hình cabin vắt, trữ sửa cho lao động nữ tại nơi làm việc, mô hình ” Sức khỏe của bạn”, ” Tết Sum vầy”, ” Tháng Công nhân”  cho công nhân lao động...Các cấp công đoàn đã tổ chức  hội nghị biểu dương cán bộ nữ công tiêu biểu, cán bộ nữ công đoàn xuất sắc, gặp mặt gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu, tặng quà con công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi...

          Tổng LĐLĐ Việt Nam  đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mở ra những điều kiện mới để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Đề án đã và đang trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, thể thao, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế…   

         Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được nêu trên thì cũng còn những thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

                         

                                                   Điều kiện sống, làm việc

        Thực hiện đề án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn tại các KCX-KCN theo Quyết định số 655 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại  các địa phương, kết quả điều tra cho thấy, nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất về nhà ở và các công trình phúc lợi rất cao. Phần lớn công nhân lao động nhập cư hiện nay đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe  và cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động của công nhân.  Kết quả khảo sát thực tế nhiều năm của Viện Công nhân – Công đoàn ở các khu công nghiệp cũng cho thấy, hàng vạn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, an ninh phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các khu công nghiệp luôn rơi vào tình trạng mất ổn định. Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000-600.000 đồng/người. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề.

       Việc thực hiện chính sách lao động nữ còn nhiều khó khăn nhất định, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể có quy định có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật còn thấp; lao động nữ đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về  việc làm, đời sống, áp lực của việc tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống… khiến đa số lao động nữ không còn thời gian để giải trí, tham gia các hoạt động văn hoá tinh thần và thời gian tìm hiểu, lựa chọn bạn đời. Điều kiện nơi ăn, chốn ở, chăm sóc nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình của lao động nữ vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

            Tình trạng việc làm của lao động nữ trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa bền vững, thực sự là một vấn đề đáng quan ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến bảo vệ quyền lao động của  lao động nữ. Trong thời gian qua, tình trạng bạo hành trẻ em trong đó có những trường hợp con CNLĐ đang gửi ở trường mầm non, tư thục bị bạo hành khiến chúng ta nhói lòng, đó cũng là nỗi đau chung của những bậc làm cha, làm mẹ; nhận thức về  bạo lực trên cơ sở giới và quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn hạn chế, dẫn đến nạn nhân của tình trạng này chủ yếu là nữ vẫn chưa lên tiếng.

         Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa đã mang đến nhiều cơ hội song với tình hình chất lượng lao động nữ hiện nay, thì nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng họ sẽ là đối tượng chịu nhiều tác động nhất của CMCN 4.0, họ phải đối mặt với những vấn đề về trình độ chuyên môn, kỹ thuật; nguy cơ mất việc làm và những tác động đến con cái, gia đình, đời sống, cơ hội phát triển nghề nghiệp và bất bình đẳng giới.

Khoảng cách về thu nhập

Kết quả từ cuộc khảo sát của Tổng Liên đoàn năm 2016[2] cho thấy, lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến và việc làm bền vững. Vẫn tồn tại khoảng cách khá lớn về trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa lao động nam và nữ. Trong khi tỷ lệ nữ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,45% thì tỷ lệ tương ứng của nam là 45,04%, mức chênh lệch lên tới 18,59%. Tiền lương bình quân/tháng của lao động nữ là 4,712 triệu đồng/tháng so với thu nhập bình quân/ tháng của lao động nam là 5,172 triệu đồng/tháng. Đây là mức chênh lệch đáng chú ý, vì kết quả của các tỷ lệ này được khảo sát từ những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, trong những ngành nghề thu hút nhiều lao động nữ hơn lao động nam.

       Các doanh nghiệp trongkhu công nghiệp vẫn tự tuyển dụng lao động trực tiếp, ít sử dụng dịch vụ việc làm. Theo nhận xét của người lao động thì các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang ưu tiên tuyển dụng nữ với lý do các ngành nghề “phù hợp” với nữ hơn. Trên thực tế, đây là những  ngành nghề có thu nhập thấp. Hầu hết lao động nữ  tập trung trong các ngành công nghiệp đòi hỏi tay nghề thấp như dệt may, da giày (nơi tỷ lệ nữ chiếm 78,5% lao động).

           Báo cáo của khảo sát cũng cho thấy mong muốn của người lao động về thúc đẩy bình đẳng giới trong các khu công nghiệp rất thiết thực: hỗ trợ để lao động nữ có việc làm và thu nhập ổn định; các thành viên trong gia đình chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc con cái; được nâng cao nhận thức, kỹ năng trong công việc và cuộc sống; được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để có cơ hội phát triển trong công việc và trong sự nghiệp ngang bằng với nam giới.

       Mong muốn của cán bộ lãnh đạo/quản lý doanh nghiệp về giải quyết các vấn đề giới gồm: Nâng cao tỷ lệ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý ở doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới của lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp; nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật và các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác cho lao động nữ; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho lao động nữ.

        Nhận thức rõ những thách thức đã nêu và yêu cầu trong giai đoạn mới; nhằm tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ trong các khu công nghiệp, tổ chức công đoàn đang triển khai tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

       Triển khai có hiệu quả Đề án về thiết chế công đoàn tại KCN, KCX. Giai đoạn 2017-2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế công đoàn tại KCX, KCN. Giai đoạn 2018-2020: phấn đấu hoàn thành 40 thiết chế. Ðến năm 2030 phấn đấu các KCX, KCN trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Thông qua các cuộc thăm dò, khảo sát, Tổng LÐLÐ Việt Nam nhận thấy, điều mong mỏi nhất mà NLÐ quan tâm trong tổ hợp thiết chế chính là những căn hộ giá phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của công nhân lao động. Sau đó là nhà trẻ, dịch vụ khám, chữa bệnh, siêu thị…Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 m2 đến 45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu/đồng/tháng, trong khoảng 5 đến 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2 theo phương thức trả tiền ngay hoặc trả góp trong mười năm.. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, NLÐ đang làm việc tại DN, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế, có hợp đồng lao động từ một năm trở lên kể từ thời điểm nộp đơn; chưa có nhà ở, chưa được mua, thuê nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở. Các nhà trẻ, mẫu giáo của công đoàn nghiên cứu có chế độ đón sớm, trả muộn, có chính sách giảm chi phí gửi trẻ đối với con đoàn viên công đoàn.

         Tăng cường vai trò công đoàn trong nâng cao nhận thức và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và bảo vệ quyền lao động nữ trong doanh nghiệp, khu công nghiệp

         Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đổi mới hoạt động nữ công, trọng tâm là các công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, tạo sự chuyển biến trong việc giải quyết một số nhu cầu bức thiết của lao động nữ, phát huy vai trò lao động nữ tham gia phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội trong tình hình mới, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

       Các cấp công đoàn tập trung tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện bình đẳng giới và các quyền của lao động nữ, nghiên cứu tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của lao động nữ và điều kiện được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng, hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng.

            Tăng cường vai trò của Ban Chấp hành công đoàn trong tham gia thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những nội dung, điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ; tuyên truyền về quyền và lợi ích của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, khu công nghiệp

          Ban Chấp hành công đoàn đóng vai trò quan trọng trong tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết TƯLĐTT với quy định có lợi hơn cho người lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới ở doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới ở doanh nghiệp; tuyên truyền về quyền và lợi ích của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới ở doanh nghiệp cho người lao động, cán bộ lãnh đạo/quản lý ở doanh nghiệp.

          Tăng cường đối thoại tại nơi làm việc, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của công đoàn cơ sở và người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định tại doanh nghiệp. Chủ động thúc đẩy thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động nữ.

          Chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động

         Tiếp tục triển khai “Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn và người lao động Việt Nam”. Trong đó, cung cấp sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi, giảm giá cho đoàn viên công doàn và người lao động. Hướng dẫn xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả: Hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, mô hình “Sức khỏe của bạn”, nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Các diễn đàn về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, Phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc... Tổ chức đám cưới tập thể, triển khai chương trình Mái ấm Công đoàn ... Đẩy mạnh các phong trào thi đua: Lao động giỏi, lao động sáng tạo, Giỏi việc nước, đảm việc nhà.

         Tăng cường các hoạt động xây dựng gia đình công nhân lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng và nhân rộng các gia đình tiêu biểu; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhân rộng các mô hình hỗ trợ nữ công nhân lao động vì sự tiến bộ của các thành viên trong gia đình.

           Quan tâm các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học hành của con công nhân lao động. Tiếp tục phối hợp thực hiện hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian làm việc và hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ nuôi con nhỏ; quan tâm lao động nữ đơn thân nuôi con nhỏ. Thực hiện tốt các hoạt động khuyến khích, trao học bổng con công nhân, lao động vượt khó, học giỏi; khuyến khích các đơn vị có điều kiện tổ chức trại hè cho con công nhân lao động.

              Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công và  năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn về công tác bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ.

          Các kiến thức quan trọng cần nâng cao bao gồm: kiến thức và kỹ năng phân tích giới, lập kế hoạch giải quyết các vấn đề giới trong doanh nghiệp; hiểu biết về pháp luật bình đẳng giới và quyền của lao động nữ ở doanh nghiệp. Thúc đẩy việc triển khai  kế hoạch hành động phù hợp nhằm tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp khu công nghiệp với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện, bao gồm cả kế hoạch kinh phí.

           Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công. Trong thực tế, Ban Nữ công các cấp đặc biệt là Ban Nữ công quần chúng đóng vai trò quan trọng trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động nữ và có tiếng nói quan trọng đại diện bảo vệ quyền của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ chủ chốt công đoàn. Tôn vinh, biểu dương nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu…

           Đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong công nhân lao động  nhằm  hỗ trợ, giúp đỡ công nhân lao động  có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam  để trực tiếp hỗ trợ cho lao động  nữ và trẻ em. Vận động sự tham gia của các doanh nghiệp đồng hành cùng các chương trình trao tặng cặp phao cứu sinh; vì trái tim, nụ cười cho trẻ thơ có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

          Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới ở doanh nghiệp cho người lao động, cán bộ lãnh đạo/quản lý ở doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp với các ban ngành liên quan, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ và Hội Phụ nữ cùng cấp để thực hiện hiệu quả việc lồng ghép hoạt động của Hội Phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn.

         Cùng với những thành quả đã đạt được, còn rất nhiều thách thức đặt ra trong công tác bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ. Điều đó đặt ra yêu cầu trong thời gian tới Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập trung hơn nữa trong việc tham gia xây dựng chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, cũng như có những chương trình, kế hoạch cụ thể hơn, thiết thực hơn để chăm lo cho lao động nữ, cho công tác nữ công và công tác cán bộ nữ. Chúng tôi tin tưởng tại diễn đàn này,  sẽ được chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích về thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập.

 

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---