Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Tuyên truyền giáo dục - Nữ công

Cập nhật lúc : 14:53 06/09/2018

Nhà công vụ cho giáo viên – những điều trăn trở

Nhà công vụ, một vấn đề thiết thực với đời sống giáo viên, đặc biệt là những huyện có nhiều giáo viên từ nơi khác đến giảng dạy. Mặc dù, chính quyền, công đoàn ngành giáo dục đã và đang nỗ lực để các thầy cô giáo yên tâm gắn bó với nghề, với trường, nhưng nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo...

 

Hai vợ chồng thầy cô giáo Đào Duy Quảng và Cái Thị Thu Trinh gắn bó với trường tiểu học Xuân Lộc từ năm 1991. Hai năm trở lại đây, họ được bố mẹ cho đất và chắt chiu dành dụm làm được ngôi nhà nhỏ ở huyện Phú Lộc, vậy là chấm dứt việc ở tập thể của cả gia đình 4 người  trong căn phòng chật hẹp này. Hiện giờ, căn phòng này là chỗ ở lại trưa của 2 vợ chồng thầy Quảng, cô Trinh và một cháu bé học lớp 2 tại trường.

Theo thầy giáo Phan Minh Hòa - hiệu trưởng cho biết: “Trường tiểu học cấp 1,2 Xuân Lộc hiện có 55 giáo viên, trong đó có 28 giáo viên nữ. Đa số giáo viên ở thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, thành phố Huế, thị xã Hương Trà, chỉ khoảng 10 giáo viên có nhà tại địa bàn xã Xuân Lộc.” Dãy nhà tập thể, công vụ này được xây từ năm 1991, hiện nay đã xuống cấp trầm trọng gồm có 8 phòng, trong đó có 5 phòng ở hộ gia đình và 3 phòng để các thầy cô giáo ở lại trưa nghỉ ngơi. Gọi là phòng nghỉ trưa, nhưng khó hình dung ra các thầy cô “ nghỉ ngơi” như thế nào trong những căn phòng ẩm thấp, nắng thì nóng hầm hập, mưa thì dột như thế này.

Có lẽ với những ai đã chứng kiến cảnh các thầy cô giáo trường tiểu học và THCS Xuân Lộc mới biết được cuộc sống sinh hoạt như thế nào khi phải sống trong những căn phòng công vụ tạm bợ xuống cấp và không có công trình phụ. Thế nhưng, khi mùa gieo chữ đến, trước những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những nụ cười lạc quan, yêu nghề của các thầy cô trước cuộc sống còn lắm khó khăn khi hàng ngày phải đi xa mấy chục cây số để đến lớp ... Giấc ngủ trẻ thơ vẫn êm đềm bên cánh võng; bên những chiếc bàn tạm bợ, những trang giáo án được chuẩn bị công phu; trên bục giảng những người gieo chữ thăng hoa với những tiết học…

Rời Xuân Lộc - Phú Lộc, chúng tôi đến với trường tiểu học, THCS Hương Nguyên- A Lưới. Ở đây có 9 lớp với 210 học sinh, chia đều cho 9 khối học. Cô giáo Trần Thị Thu Huế, giáo viên chủ nhiệm lớp 4, tâm sự: Hàng ngày, tôi rời nhà lúc 5 giờ 30 do nhà ở tận Hương Sơ- TP Huế cách trường gần 40km để đến trường đúng giờ. Chiều tối mịt mới về đến nhà suốt như vậy đã gần 20 năm.

 Bữa trưa của các thầy cô được chuẩn bị mang đi từ sáng, chủ yếu là đồ khô. Phòng công vụ không có, buổi trưa các thầy cô nghỉ tạm ở các phòng học rồi tiếp tục lên lớp buổi chiểu. Hiện tại, trường có 24 cán bộ, giáo viên thì chỉ có 5 người ở địa phương, còn lại đều ở xa như Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Thủy và TP. Huế.  Tại điểm trường Hương Nguyên và A Ngo, ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã xây dựng một dãy nhà công vụ 8 phòng, đặt tại xã Hồng Hạ. Tuy nhiên, từ điểm trường Hương Nguyên ngược lên nhà công vụ Hồng Hạ phải vượt qua đèo Tà Lương cách hơn 6 km, rất cách trở, vả lại vị trí nhà công vụ cách xa trung tâm xã, cách xa chợ và hàng quán phục vụ ăn uống nên không phát huy hiệu quả sử dụng, các giáo viên đành ở lại trường vào giờ nghỉ trưa.

Thầy giáo Lê Văn Bôn, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Hương Nguyên cùng 02 giáo viên khác, hiện đang ở trọ tại nhà dân gần trường, mỗi tuần về nhà 01 lần vì không thể đi - về trong ngày gần cả trăm km. Gần 20 năm, thầy Bôn gắn bó với mái trường Hương Nguyên trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.

Tại nhà công vụ Hồng Hạ với 8 phòng ở loang lổ, hoen gỉ, xuống cấp, trong đó có 2 phòng cuối dãy nhà đang mở cửa. Thầy giáo Mai Thanh Hải, Trường TH – THCS Hồng Hạ đang soạn giáo án chuẩn bị cho một năm học mới. Thầy cho biết, điều kiện sinh hoạt ở đây rất khó khăn, đồ ăn, thức uống phải đi mua rất xa, hiện nay đã có nước sạch sử dụng, trước đây chúng tôi phải sinh hoạt từ nguồn nước đi xách trong nhà dân. Khó  khăn là vậy, nhưng nhà trường và Công đoàn chỉ biết động viên để giáo viên mình khắc phục khó khăn yên tâm công tác, đáp ứng chất lượng dạy học của nhà trường.

Trong những bộn bề khó khăn của cuộc sống, các thầy cô giáo vẫn thiết tha với sự nghiệp trồng người. cô giáo Lương Thị Ánh Nguyệt, Hiệu phó, chủ tịch CĐCS  trường THCS Xuân Lộc mong muốn có thêm 1-2 phòng công vụ, đặc biệt là phòng tắm, công trình vệ sinh khép kín để thầy cô được nghỉ ngơi buổi trưa, tái tạo sức lao động cho những giờ dạy tiếp theo buổi chiều.

Bên những chiếc bàn gỗ tạm bợ, bên ánh điện tù mù, những trang giáo án chan chứa ân tình của những người đi gieo trồng con chữ, “cùng nghĩ suy trên từng trang sách mở”. Để những “kỹ sư tâm hồn” yên tâm công tác, chính sách về nhà ở cho giáo viên có thể coi là giải pháp  hữu hiệu, giữ chân các thầy cô giáo gắn bó với nhiệm vụ giáo dục ở niền núi, vùng cao. Chính vì vậy, xây dựng nhà công vụ là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhà ở công vụ cho giáo viên các vùng xa cần sự quan tâm của  chính quyền địa phương và  ngành Giáo dục. Đoàn viên Công đoàn tại các điểm trường vùng xa mong muốn Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh cùng với việc trích từ nguồn quỹ “Mái ấm công đoàn” để xây dựng nhà ở cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, hằng năm cần ưu tiên một phần kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở công vụ cho giáo viên, đó là cách chăm lo đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên một cách thiết thực nhất, giúp các thầy cô yên tâm công tác./.

 

Chú thích ảnh : 1. Cô giáo Trần Thị Thu Huế- 20 năm gắn bó với trường tiểu học, THCS Hương Nguyên
2. Thầy giáo Trần Văn Bôn ở trọ tại nhà dân để bám trường, bám lớp

Ngô Thu Hương

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---