Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Tin tức, sự kiện

Cập nhật lúc : 09:59 13/03/2020

Công đoàn Thừa Thiên Huế nỗ lực phòng chống dịch virut Covid 19

Ngày 11/3/2020, tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là "đại dịch" toàn cầu. Điều đó có nghĩa là dịch cúm Covid đang ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội . Có lẽ chưa bao giờ học sinh lại xa mái trường một thời gian dài thứ thế mà không phải là ngày hè; lần đầu tiên nền giáo dục phải áp dụng phương thức dạy học trực tuyến trên truyền hình, và có lẽ cũng không có điều gì tác động khiến thị trường tiêu thụ bị co hẹp, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, hàng không nguồn thu bị sụt giảm, tạo “cú sốc” đối với nền kinh tế toàn thế giới như những ngày qua…


  • Bức tranh màu tối

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, các CĐCS doanh nghiệp thuộc ngành may mặc trên địa bàn tỉnh sản xuất kinh doanh tương đối ổn định. Các doanh nghiệp có số lượng CNLĐ lớn, có vốn đầu tư nước ngoài như HbI, Scavi, Takson hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn cơ bản ổn định. Các DN này  có nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…và chủ yếu xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp phụ thuộc  nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất hàng sang TQ như công ty Hanex, công ty cổ phần Da giày Huế hiện nay đang khó khăn, hoạt động cầm chừng, tuy nhiên vẫn đảm bảo cho CNLĐ có việc làm, có thu nhập. Tại công ty May Quảng Điền, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị cty cho biết: tình hình sản xuất của công ty ổn định do nguồn nguyên liệu vẫn còn và hàng chủ yếu xuất khẩu đi Châu Âu, Hiện nay công ty nhận may thêm mặt hàng khẩu trang để đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại các  DN thuộc lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên lượng khách giảm,  tập trung chủ yếu ở một số doanh nghiệp lớn như Công ty Laguna Việt Nam. Bà Trần thị Xuân Hương, chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Lộc cho biết : “ lượng khách giảm và hủy phòng và dịch vụ sân Golf tổng thiệt hại trong 2 tháng hơn 14 tỉ đồng… Công ty TNHH MTV Trúc Cư Xinh, Công ty TNHH Khu Du lịch sinh thái Vedana và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thanh Tâm thuộc huyện Phú Lộc hoạt động cầm chừng do lượng khách giảm mạnh”

Trong khó khăn đó, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế có hướng cắt giảm 30% CNLĐ nếu tình trạng kinh doanh khó khăn kéo dài. Công ty May Quảng Thành lại áp dụng biện pháp không tăng ca, nhằm bảo đảm nguồn hàng sản xuất ổn định, thu nhập của CNLĐ bằng tiền lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp cho CNLĐ, nếu dịch bệnh kéo dài.

 

                                           Công nhân Công ty May Quảng Điền trong mùa dịch Covid 19. Ảnh TH

 Các DN thuộc lĩnh vực vận tải hành khách chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh khá nặng.  Chị Trần Thị Xuân – một khách hàng quen thuộc của tuyến xe buýt Lăng Cô- Huế cho biết: “ Do lo ngại dịch bệnh nên việc đi làm hàng ngày tôi đều sử dụng xe máy thay vì đi xe buýt mua vé tháng”. Mặt khác, một số tour, tuyến tại tham quan Huế  cũng bị hủy từ phía khách du lịch.

Khó khăn nhất là  giáo viên thuộc khối Giáo dục mầm non (mầm non tư thục) Nguồn trả lương cho người lao động phụ thuộc vào nguồn thu học phí, học sinh nghỉ học từ Tết Nguyên đán đến nay đã trên 2 tháng; nên một số trường tư thục Công giáo phải tạm ứng tiền của “Nhà dòng”, sử dụng từ nguồn quỹ phúc lợi để chi trả lương cơ bản hoặc hỗ trợ 50% lương cho giáo viên. Các trường Mầm non tư thục ngoài Công giáo tạm thời cho giáo viên nghỉ việc.

  •  Công đoàn Thừa Thiên Huế “ chống dịch” cùng với DN và NLĐ.

Ngay từ những ngày đầu tháng 2/2020, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp CĐ phải thể hiện tinh thần “ chống dịch như chống giặc” để góp phần ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác. Các cấp CĐ ngưng tất cả các hoạt động đông người để phòng dịch bệnh lây lan, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền  việc thành lập các nhóm cán bộ CĐ trên mạng xã hội để chỉ đạo hoạt động Công đoàn, cung cấp các thông tin chính thống về tình hình dịch Covid-19 hằng ngày đến đoàn viên, CNLĐ.

Các cấp CĐ đã thường xuyên tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên các trang Face book, zalo; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho người lao động. Tại Công ty HbI Phú Bài, đơn vị có trên 6.000 CNLĐ, bà Hoàng Thu Lê – Giám đốc công ty cho biết: “DN đã phân tách các nhà xưởng đề hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần của số đông nhân viên giữa các nhà xưởng. Trong tình huống nhân viên có nguy cơ cao nhiễm bệnh thì Công ty vẫn có thể tiếp tục các hoạt động sản xuất tại các nhà xưởng không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Công ty đã thực hiện cho toàn thể nhân viên nghỉ làm việc ngày thứ 2 (9/3/2020) đề chuẩn bị các phương án an toàn và sẽ bố trí đi làm bù vào một ngày chủ nhật sau đó, tính như ngày làm việc bình thường.”

Các doanh nghiệp đã thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho CNLĐ, bố trí nước rửa tay diệt khuẩn, tăng cường vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các bộ phận sản xuất, tổ chức khám sức khỏe miễn phí, phát động tập thể dục giữa giờ nhằm nâng cao sức khỏe cho CNLĐ… Với CĐCS các nghiệp đoàn xích lô, xe thồ, Liên đoàn Lao động thành phố Huế phát khẩu trang cho các đoàn viên nghiệp đoàn, đồng thời cung cấp các kỹ năng phòng tránh lây lan dịch bệnh khi các anh hành nghề chạy xe hàng ngày cho khách du lịch.


Trong khó khăn chung của tình hình dịch bệnh kéo dài hiện nay, các CĐCS doanh nghiệp  trên địa bàn đã tham gia cùng với doanh nghiệp xây dựng các phương án nhằm đảm bảo đời sống, việc làm cho CNLĐ như cơ sở thỏa thuận, giải quyết lương cơ bản; hỗ trợ 50% lương hoặc cho lao động nghỉ bù, nghỉ phép năm luân phiên, giảm ngày công hoặc chuyển sang các công việc khác. Một số CĐCS doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án xấu nhất về tình hình dịch bệnh như kế hoạch sản xuất, kế hoạch cắt giảm lao động…tham mưu các chế độ chính sách đặc biệt cho người lao động khi các trường hợp xấu có thể xảy ra. Trường hợp công đoàn cơ sở và doanh nghiệp cùng khó khăn không có khả năng thực hiện, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được xem xét hỗ trợ kinh phí cho công đoàn cơ sở (công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không trực tiếp mua sắm), các cấp Công đoàn chủ động liên hệ với các doanh nghiệp (dệt may, bột giặt…) có ký kết thoả thuận với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh để tìm nguồn cung cấp khẩu trang, nước rửa tay đảm bảo chất lượng để công đoàn cơ sở trang cấp cho người lao động.

 

                                          Thường trực LĐLĐ huyện Phú Lộc nắm tình hình phòng chống dịch Covid 19 tại cơ sở

Chủ tịch CĐ công ty TNHH Giã Trân Huế cho biết: bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19 kịp thời, chính xác, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống, việc làm của CNLĐ, Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động kiện toàn Ban An toàn vệ sinh lao đông tại doanh nghiệp, bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh của đơn vị. Phân công cụ thể cho các UV BCH CĐCS tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mạng lưới ATVSV trong doanh nghiệp, vệ sinh lao động; quan tâm chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đông CNLĐ, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe CNLĐ nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Chia sẻ những khó khăn với DN, các cấp Công đoàn chủ động liên hệ với các doanh nghiệp (dệt may, bột giặt…) có ký kết thoả thuận với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh để tìm nguồn cung cấp khẩu trang, nước rửa tay đảm bảo chất lượng để công đoàn cơ sở trang cấp cho người lao động.

      Với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết thúc, về phía Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế  đề nghị Tổng  Liên đoàn Lao động Việt  Nam xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giãn thời gian nộp kinh phí Công đoàn đối với một số doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, nguy cơ doanh nghiệp đóng cửa do không có nguyên liệu hoặc hàng không bán được ảnh hưởng đến việc làm CNLĐ là có thật, đang hiện hữu rất gần, các cơ quan nhà nước cần có sự quan tâm, có phương án hỗ trợ chính sách nghỉ việc cho công nhân lao động; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp giãn, khoanh thời gian nợ ngân hàng, đóng BHXH, thuế, điện, nước và lãi phạt do chậm nộp BHXH, hỗ trợ các gói tín dụng kích cầu doanh nghiệp.

Và những chiếc khẩu  trang đạt chuẩn, những chai nước rửa tay diệt khuẩn giá cả hợp lý được doanh nghiệp, Công đoàn đến với người lao động là thiết thực để bảo vệ nguồn nhân lực trong cơn đại dịch toàn cầu này./.

 

       Nguyễn Khoa Hoài Hương

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---