Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024

Văn phòng

Cập nhật lúc : 00:00 04/06/2021

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01-02-2021, quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ là hành động mà còn có thể là lời nói có ngụ ý tình dục.

Chương trình truyền thông pháp luật năm 2020 về triển khai những điểm mới của BLLĐ 2019 tại cơ sở (nguồn ảnh: Ban TGNC cung cấp)

Lần đầu tiên, hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc (gọi tắt là QRTD) được quy định cụ thể tại Bộ Luật Lao động năm 2019 (gọi tắt là BLLĐ 2019) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tiếp đến, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực ngày 01/02/2021 đã quy định rõ về hành vi  QRTD nơi làm việc và trách nhiệm của người sử dụng lao động về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc…

 

Lời nói ngụ ý tình dục cũng là quấy rối

Những quy định về QRTD trong BLLĐ 2019, đã khắc phục được những điểm bất cập còn tồn tại trong các quy định về hành vi QRTD so với BLLĐ 2012.

Tại khoản 9 -  Điều 3 - BLLĐ 2019 đã định nghĩa pháp lý về hành vi QRTD: “hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận”. Tiếp đó, Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng đã giải thích “QRTD là hành vi có mục đích đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc người lao động quan hệ tình dục để đổi lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc…” và liệt kê những hành vi được xem là QRTD[1].

Mặt khác, những hành vi không hướng đến việc quan hệ tình dục nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người lao động đều được xem là QRTD.

Theo đó, QRTD có thể là hành động, cử chỉ hoặc hành vi phi hành động như lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc ngụ ý tình dục, ví dụ: những lời nói tưởng đùa như “nhìn em ngon quá!”, “mát hí!”… kèm với những kiểu trêu ghẹo về cơ thể, cách ăn mặc có ngụ ý tình dục làm người lao động có cảm giác bất an, khó chịu có thể được xem là QRTD”.

 

Bảo vệ người lao động khi bị QRTD

Theo BLLĐ 2019, người lao động quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể bị áp  dụng  hình thức xử lý kỷ luật sa thải[2].

Theo Điều 85- Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng, chống QRTD. Người sử dụng lao động phải xây dựng trong nội quy lao động hoặc các phụ lục ban hành kèm Nội quy các quy định về phòng, chống QRTD. Người sử dụng lao động căn cứ vào đặc điểm, tình hình của đơn vị mình mà có những quy định cụ thể từng hành vi tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Tuy đã có điều luật hướng dẫn rõ ràng nhưng để áp dụng quy định xử lý đối với người có hành vi QRTD vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Bởi vì người lao động, nhất là lao động nữ khi bị quấy rối thường lựa chọn im lặng hoặc nghỉ việc vì sợ xấu hổ, bị trả thù, bị hiểu nhầm, điều tiếng… Điều này làm cho hành vi QRTD tồn tại lâu dài, âm ỉ nhưng khó giải quyết triệt để.

Nguyễn Đạt



[1] Khoản 1 và Khoản 2 – Điều 84 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.

[2] Khoản 2- Điều 125 – Bộ Luật Lao động năm 2019.

Tư vấn pháp luật

Em là giáo viên tại một trường tiểu học. Em đã được nhận bằng khen của ... 

Trả lời:

Theo định tại Điều 3 Thông tư 08/2013//TT-BNV thì điều kiện nâng bậc lương ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---