Tổ chức cán bộ
Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm
Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực và trình độ cán bộ công đoàn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đã được đề ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn tỉnh, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, là cơ sở để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn. Đến thời điểm nay, toàn tỉnh có 17 công đoàn cấp huyện, ngành và tương đương, với 1.324 công đoàn cơ sở và hơn 76.000 đoàn viên; có 64 cán bộ công đoàn chuyên trách, trong đó cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh 29 đồng chí, cán bộ công đoàn không chuyên trách hơn 6.300 đồng chí. Đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ ngày càng được trẻ hóa, được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tăng nhanh về số lượng, phát triển về chất lượng, từng bước trưởng thành về mọi mặt. Đây chính là nhân tố và nguồn lực quan trọng tạo nên sự đột phá cho hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Hoạt động công đoàn thực sự đổi mới về nội dung, hình thức, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, công tác tuyên truyền, giáo dục được các cấp công đoàn quan tâm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chương trình công tác của Công đoàn được tuyên truyền sâu rộng; hằng năm các cấp công đoàn tổ chức tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong đoàn viên, CNVCLĐ, các hoạt động “Tháng công nhân”, chương trình “Tết sum vầy”, Lễ cưới tập thể … đều hướng về đoàn viên, CNVCLĐ.
Các cấp công đoàn tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực như xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều ý tưởng sáng tạo mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao được Đảng, Nhà nước và Công đoàn Việt Nam khen tặng.
Công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS được các cấp công đoàn quan tâm. Trung bình mỗi năm, tổ chức công đoàn tỉnh phát triển được từ 4.500 đến 5.000 đoàn viên, CĐCS đạt vững mạnh từ 85% trở lên, công đoàn các cấp đã giới thiệu được 5.385 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng bước đầu đã gắn quy hoạch với bố trí sử dụng cán bộ, rèn luyện cán bộ công đoàn từ thực tiễn như tăng cường, biệt phái cán bộ về hỗ trợ cho cơ sở; xây dựng kế hoạch phân công các ban chuyền đề trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn các cấp công đoàn trong thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm; tiến hành giao việc cho cán bộ, chuyên viên và thực hiện đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng để làm cơ sở cho công tác đánh giá cán bộ vào cuối năm và bình xét thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã tạo điều kiện kiện cho nhiều cán bộ tham gia học các lớp nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ như Cao học Luật, Cao học Quản lý công, Cao học Quản lý Kinh tế…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vẫn còn hạn chế, khuyết điểm như công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng các phong trào thi đua chưa đồng đều; trình độ, năng lực của một số cán bộ chưa theo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Xuất phát từ thực trạng trên, trước yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạt hóa và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, Triển khai kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, đủ năng lực, trình độ để hoàn thành nhiệm vụ, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức nhất là kiến thức về pháp luật lao động, công đoàn, tài chính kế toán công đoàn, cán bộ công đoàn phải độc lập thực hiện nhiệm vụ và học cách làm việc theo nhóm để phát huy trí tuệ tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, Chọn cán bộ có năng khiếu, đam mê nghiên cứu pháp luật, tài chính kế toán, kỹ năng công tác công đoàn cử đi đào tạo tại các Trường Đại học trên địa bàn, sau đó thành lập các Tổ, nhóm nghiên cứu tại các cơ quan, đơn vị để kết nối, tương tác với cán bộ công đoàn trong toàn hệ thống để triển khai những kiến thức đã học, những kinh nghiệm từ thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cán bộ công đoàn các cấp về tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, bảo vệ trước tòa án, phát triển đoàn viên; thành lập nhóm cán bộ công đoàn cốt cán có năng lực, nghiệp vụ về luật pháp, giỏi về tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, tranh tụng tại tòa án, tổ chức hoạt động theo hướng giống như luật sư Hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ công đoàn cơ sở và từng bước hình thành lực lượng cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi tình hình mới.
Thứ ba, Yêu cầu sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa Liên đoàn Lao động tỉnh với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc và giữa công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động và cả nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
Thứ tư, Ưu tiên quy hoạch cán bộ đạt chuẩn trình độ, cán bộ trưởng thành từ hoạt động phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Tiếp tục thực hiện công tác biệt phái, luân chuyển cán bộ công đoàn; chú trọng nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, được rèn luyện từ thực tiễn để giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo quản lý theo vị trí việc làm.
Thứ năm, Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên; đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, từng lĩnh vực công tác của cán bộ; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lắng nghe, rèn luyện phong cách thuyết trình, thực hành nhóm, ứng dụng sơ đồ tư duy vào thuyết trình. Hình thức tập huấn, bồi dưỡng không chỉ là tập trung dài ngày mà cần mở rộng ra các khóa ngắn ngày, phát tài liệu: văn bản, tài liệu điện tử, các clip video.... Bên cạnh đó, cần phối hợp với các Trường Đại học Luật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Công đoàn.... để mở các lớp bồi dưỡng chuyên ngành, các chương trình bổ sung cho cán bộ công đoàn.
Thứ sáu, Yêu cầu mỗi cán bộ tự học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ; tiếp tục bố trí, cử cán bộ đi học tập nâng cao kiến thức về luật, tài chính, ngoại ngữ, về nghiệp vụ hoạt động công đoàn và các kỹ năng giao tiếp, đối thoại và thương lượng với người sử dụng lao động, đoàn viên, người lao động.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết của các cấp công đoàn hiện nay./.
Nguyễn Khoa Hoài Hương
TUV- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh