Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Tổ chức cán bộ

Cập nhật lúc : 03:26 20/11/2018

Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp đến hiệu quả hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ. Do vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chăm lo công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công đoàn ở các cấp, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác công đoàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Công đoàn tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã không ngừng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công đoàn, đặc biệt đối với cán bộ CĐCS. Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng Chương trình “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn” giai đoạn 2013-2018, đã tạo cơ sở cho các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

 Công tác tập huấn, bồi dưỡng đã đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả tích cực, nhận thức của các cấp công đoàn về công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn đã được nâng lên. Kết quả trong 05 năm (2013-2018), các cấp công đoàn tổ chức 186 lớp, bồi dưỡng cho hơn 22.000 lượt người, kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng, số cán bộ CĐCS từ tổ phó, tổ trưởng trở lên tham gia chiếm khoảng 85%. Trung bình hằng năm có khoảng 4.400 lượt cán bộ công đoàn được cử đi tập huấn, bồi dưỡng[1].

Phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, nâng cao tính tích cực, chủ động của người học; chú trọng tính hiệu quả của các buổi thảo luận và thực hành; báo cáo viên đầu tư vào bài giảng nhiều hơn và không ngừng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng; động cơ, mục đích của người học được xác định rõ ràng.

Nội dung tập huấn đã được biên soạn ngắn gọn từ bộ tài liệu hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho sát hợp thực tế, phù hợp với trình độ cán bộ công đoàn cơ sở, nhằm giúp cho cán bộ công đoàn tiếp cận về những vấn đề mới, kiến thức về pháp luật, kỹ năng thương lượng và ký kết TƯLĐTT, giải quyết tranh chấp lao động, kỹ năng hoạt động công đoàn trong tình hình mới, thực hiện quyền đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tập huấn, bồi dưỡng vẫn còn những hạn chế như một số chuyên đề nặng về lý thuyết, mang tính hàn lâm, thiếu kỹ năng thực hành; việc trao đổi, thảo luận giữa học viên và báo cáo viên về các tình huống trong thực tiễn hoạt động công đoàn vẫn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đứng trước sự cạnh tranh về kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở; điều này cũng sẽ dẫn đến sự chia sẻ nguồn lực tài chính,  khó khăn trong thực thi các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công."Đây là thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam và cũng chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn, mặc dù tổ chức này không mang trong mình đầy đủ bản chất mô hình đoàn thể"[2].

Từ thực tiễn cho thấy, để đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của công tác tập huấn, bồi dưỡng, cần nhận rõ những hạn chế, vướng mắc, từ đó xác định rõ và chính xác những vấn đề cần giải quyết, cụ thể là:

1- Cần quán triệt sâu sắc trong tổ chức công đoàn về tầm quan trọng và yêu cầu công tác của cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) trong tình hình mới, thật sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, vì đội ngũ cán bộ công đoàn đa số là kiêm nhiệm, công việc chuyên môn nhiều nên việc học tập, nghiên cứu về lý luận và nghiệp vụ, kỹ năng công tác công đoàn còn hạn chế. Các cấp công đoàn cần nghiên cứu đổi mới phương thức chỉ đạo đối với CĐCS theo hướng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên đối với CĐCS, chú trọng việc định hướng, lựa chọn đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở thực sự có năng lực và được đoàn viên, người lao động tín nhiệm.

2- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng năm cần xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn; thường xuyên nghiên cứu chương trình, nội dung tập huấn phù hợp với từng loại hình của CĐCS và tình hình thực tế trong từng giai đoạn; đổi mới phương pháp tập huấn, chú trọng phương pháp tập huấn tích cực, trao đổi theo hướng hỏi - đáp những vấn đề mà cán bộ, đoàn viên cần; thường xuyên thông tin các kiến thức về pháp luật lao động và công đoàn cho cán bộ công đoàn thông qua các lớp truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, trang Website của LĐLĐ tỉnh, chuyên mục Công đoàn, Báo Lao động….

3- Tổ chức biên soạn lại các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ đảm bảo không trùng lặp, có kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, nội dung kiến thức tiêu chuẩn với kỹ năng, kinh nghiệm theo yêu cầu vị trí công tác, phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở. Thực hiện quy trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách khoa học, đồng bộ từ xác định nhu cầu đến biên soạn chương trình, tài liệu, xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, tài liệu; khuyến khích các các cấp công đoàn tham gia đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn làm báo cáo viên, tuyên truyền viên và giảng viên kiêm chức- Đối với báo cáo viên, giảng viên kiêm chức cần giao chủ đề theo nhiệm vụ được phân công và phải giảng thử để rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông và đúc rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức.

4- Thực hiện việc kiện toàn và nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên kiêm chức, xem xét lựa chọn đội ngũ giảng viên kiêm chức là những cán bộ công đoàn có trình độ và kinh nghiệm đang làm việc ở các ban của Liên đoàn Lao động tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn. Trên cơ sở đó, đội ngũ giảng viên kiêm chức cần xây dựng chương trình phù hợp, có phương pháp giảng dạy đổi mới, hạn chế bớt lý luận dàn trải, cần đi vào những nội dung công việc thực tế, kỹ năng hoạt động, giúp cho cán bộ CĐCS có tư duy đầy đủ để tổ chức hoạt động hoặc giải quyết các tình huống có thể phát sinh tại CĐCS.

5- Liên đoàn Lao động tỉnh cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Có như vậy công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp mới thật sự mang lại hiệu quả.

6- Trước yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế - xã hội, pháp luật, hiểu biết về chuyên môn ngành, nghề; nắm vững lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn và phương pháp vận động quần chúng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ công đoàn phải thường xuyên tự nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tích cực tham gia và thực hiện đổi mới phương pháp hoạt động công đoàn để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày một vững mạnh.

 

Để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, đủ “sức” thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, việc đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng là yêu cầu cấp thiết của các cấp công đoàn hiện nay./.

 

                                                                      Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh



[1] Theo bảng số liệu đính kèm Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV Công đoàn tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023.

[2]Phát biểu của ông Ngọ Duy Hiểu- Đại biểu Quốc hội- PCT Tổng LĐLĐ VN theo https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-doan-viet-nam-se-co-to-chuc-khac-canh-tranh-3833307.html.

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---