Tổ chức cán bộ
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở khu vực ngoài nhà nước: Cần có bước đột phá để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới Thời gian qua, cùng với sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, số lượng công nhân lao động cũng từ đó tăng theo. Vì thế, việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tính chiến lược của tổ chức công đoàn. Trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ tỉnh) đã chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới, đa dạng hóa phương thức, hình thức tuyên truyền phát triển đoàn viên theo hướng có sự tham gia tích cực của người lao động (NLĐ) vào quá trình vận động thành lập CĐCS; phân công trách nhiệm cụ thể trong Ban Thường vụ và các thành viên Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực ngoài nhà nước (khu vực NNN). Kết quả, nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp công đoàn đã thành lập mới 153 CĐCS (có 125 CĐCS khu vực NNN), kết nạp mới 23.578 đoàn viên công đoàn (có 19.720 ĐVCĐ khu vực NNN), đạt tỉ lệ 117,8% chỉ tiêu Đại hội XIII Công đoàn tỉnh đề ra.
Nói về những kết quả đạt được, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: thực hiện phương châm “Ở đâu có công nhân, ở đó có Công đoàn”, phương pháp làm việc với doanh nghiệp là "Chủ động, kiên trì" và tập trung thực hiện một số giải pháp như: phân công cán bộ nắm tình hình CNVCLĐ và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động cho phù hợp với từng loại hình; tranh thủ sự ủng hộ và phối hợp đồng bộ của Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và xã hội… trong công tác kiểm tra, nắm số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; chủ động gặp gỡ trực tiếp với chủ doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc tại doanh nghiệp, từ đó nhận được sự ủng hộ của người sử dụng lao động về thành lập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, tiếp đến mới tuyên truyền để người lao động hiểu và tự nguyện làm đơn gia nhập tổ chức Công đoàn.
Hội nghị triển khai công tác năm 2019
Tuy nhiên, do đặc điểm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động mang tính gia đình, lao động thường xuyên biến động. Mặc khác, các cấp công đoàn vẫn chưa có sự đổi mới phương thức thành lập công đoàn cơ sở, chưa triển khai đồng bộ giữa việc thực hiện chương trình đưa phúc lợi đến đoàn viên, thu kinh phí công đoàn, khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã ảnh hưởng đến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, chưa hoàn thành chỉ tiêu do Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ (đạt tỷ lệ 73,69).
Với mục tiêu của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đặt ra: “Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; tăng cường lợi ích thiết thực cho đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và hiệu quả công tác quản lý đoàn viên; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động; sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các cấp; nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh”. Đặc biệt trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những thay đổi về pháp luật lao động, công đoàn phù hợp với các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế theo cam kết khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, theo đánh giá của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam “Đối với tổ chức công đoàn Việt Nam, thách thức lớn nhất là trong tương lai không xa, ở cấp cơ sở, sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của người lao động (hay còn gọi là đa công đoàn). Công đoàn Việt Nam khi đó không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động. Vấn đề cạnh tranh để giữ chân và thu hút mới đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác của người lao động. Việc phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ gặp khó khăn. Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động công đoàn, nhất là nguồn tài chính bị chia sẻ và đương nhiên sẽ bị giảm sút. Môi trường hoạt động công đoàn có thay đổi lớn do quan hệ lao động sẽ có diễn biến phức tạp”.
Trước tình hình đó, đòi hỏi tổ chức Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung hoạt động công đoàn để thu hút, tập hợp CNVCLĐ nhằm thực hiện kết quả cao nhất về công tác phát triển đoàn viên, thực sự là một tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chính sau:
1- Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2023. Chỉ đạo các cấp công đoàn tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy phối hợp cùng cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Kết hợp thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên, tạo sự khác biệt về thụ hưởng lợi ích giữa NLĐ-đoàn viên để thu hút, kết nạp đoàn viên mới; thực hiện đại diện bảo vệ cho NLĐ để thu hút NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp công đoàn với chính quyền địa phương
2- Công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động, giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Nội dung tuyên truyền trọng tâm là pháp luật lao động, công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam...., trong đó cần chú ý truyên truyền những gì mà người lao động cần nhất, dễ hiểu, dễ nhớ để giúp người lao động tự bảo vệ mình.
Để làm được điều đó, Công đoàn cần lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm gắn liền với lợi ích thiết thực nhất đối với đoàn viên, người lao động để triển khai thực hiện. Để làm được điều này, các cấp công đoàn phải nắm được nhu cầu của đoàn viên, người lao động, bởi vì có nắm được nhu cầu của họ, công đoàn mới có thể phục vụ hiệu quả, hay không có hiệu quả. Việc nắm nhu cầu của đoàn viên, người lao động được thực hiện từ nhiều kênh thông tin khác nhau như phản ánh từ đoàn viên, người lao động, cơ sở, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… nhưng phải đảm bảo đúng đối tượng, thiết thực số đông người lao động.
3- Rà soát lại các hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn, những hoạt động nào đã tổ chức lặp di lặp lại nhiều lần không còn phù hợp, không thu hút được đoàn viên, người lao động đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp thì cần phải dừng lại, để tiết kiệm ngân sách, dành khoản kinh phí này thực hiện những nội dung khác có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động theo phương châm “cũ phải sâu, mới phải hay, hiệu quả” và phải mang tính đặc thù của Công đoàn để đoàn viên, người lao động có sự phân biệt, nhận biết những điểm riêng biệt trong hoạt động công đoàn mà mình tham gia hoạt động và cần được bảo vệ.
4- Tập trung thực hiện tốt công tác đoàn viên từ việc phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích đoàn viên. Đa dạng hóa cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động người lao động; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm cơ sở thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn. Đồng thời xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của các cấp công đoàn, nhất là vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động thành lập công đoàn cơ sở.
5- Đưa vào sử dụng, khai thác tốt các tính năng, công dụng của phần mềm quản lý đoàn viên tạo điều kiện cho các cấp công đoàn đặc biệt là cơ quan lãnh đạo thường xuyên nắm bắt thông tin về đoàn viên để kịp thời đề xuất, ban hành các quyết định trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên trong quá trình di chuyển, thay đổi công việc. Thực hiện đổi thẻ đoàn viên mới, thông qua đó xác định chính xác số đoàn viên công đoàn hiện nay; nâng cao ý thức của đoàn viên thông qua sử dụng thẻ đồng thời làm cơ sở thực hiện các chính sách ưu đãi đối với đoàn viên công đoàn.
Có thể nói, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp công đoàn. Với những nỗ lực, cố gắng của các cấp công đoàn toàn tỉnh trong thời gian qua, sẽ là động lực để tạo nên một tâm thế mới, một sức mạnh mới, sẵn sàng thực hiện tốt chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn Việt Nam là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động trong giai đoạn mới./.
Ban Tổ chức