Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Tổ chức cán bộ

Cập nhật lúc : 00:00 03/12/2019

Công đoàn tham gia giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị

Công tác giám sát, phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động Công đoàn, giúp các cấp công đoàn kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; phản ánh tâm tư nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đoàn viên, CNVCLĐ.

Đ/c Nguyễn Khoa Hoài Hương, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh TT Huế

Từ năm 2014 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện giám sát và tham gia giám sát tập trung vào các nội dung như: thực hiện quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công đoàn, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan đến người lao động; Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, tiền lương, thu nhập; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; Bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động; Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; tổ chức hoạt động Ban thanh tra nhân dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công chức, viên chức và người lao động. Thực hiện các chính sách khác có liên quan đến người lao động…

Về phương pháp giám sát, các cấp công đoàn sẽ giám sát thông qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Giám sát thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu, trực tiếp làm việc, nghe báo cáo của các doanh nghiệp đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội và một số cơ quan liên quan tổ chức đoàn đi giám sát, thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại một số doanh nghiệp. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh thực hiện giám sát và tham gia giám sát 915 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; Phối hợp BHXH, Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh tổ chức nhiều diễn đàn “Nghe công nhân nói, nói với công nhân”, Phối hợp với Sở Lao động Thương binh&Xã hội truyền thông pháp luật tại doanh nghiệp trên địa bàn bình quân 15-20 đơn vị/năm. Tham gia phối hợp tổ chức Hội nghị người lao động, thực hiện đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất tại các doanh nghiệp. Khởi kiện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Đức về việc nợ BHXH (kết quả công ty đã nộp và giải quyết chế độ BHXH cho 31 lao động), tham gia giải quyết khiếu nại tại Công ty CP cơ khí và xây dựng công trình 878 về nội dung  người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; giải quyết đơn khiếu nại của tập thể người lao động Trường THPT Huế Star về chế độ BHXH khi chấm dứt hợp đồng làm việc. Thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc các doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn (tính đến tháng 2/2019 đã đôn đốc và thu hồi nợ về BHXH số tiền 56,7 tỉ đồng)....

Qua hơn 05 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối của tổ chức Công đoàn, có những thuận lợi, khó khăn sau:

* Thuận lợi:

- Các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện các luật liên quan đến NLĐ, đặc biệt trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (gọi chung là BHXH) và Quy chế dân chủ tại nơi làm việc đã được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

- Trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH giai đoạn 2012-2020; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện hiệu quả như: ban hành quy chế phối hợp, cải cách chính sách BHXH đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đồng thời, tạo thuận lợi trong công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan BHXH, Sở Lao động thương binh & xã hội, Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp, lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý cụ thể, sâu sát, cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị-xã hội trong triển khai thực hiện đã tạo sự  chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành, CNVCLĐ ngày càng nhận thức đúng, đầy đủ hơn về bản chất, ý nghĩa của chính sách BHXH, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc nhằm góp phần tích cực vào xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp…

- Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác BHXH tiếp tục được đầu tư, mở rộng, nâng cấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong quản lý, điều hành.

* Khó khăn:

- Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: Nhận thức của người sử dụng lao động chưa đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Quy chế theo quy định; Cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm tại cơ sở, thực hiện xử lý các vi phạm chưa nghiêm, chưa cương quyết theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc chưa đồng đều giữa các loại hình. Dân chủ trong doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều yếu kém.

- Về thực hiện chính sách BHXH: vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ BHXH  kéo dài với số tiền lớn, doanh nghiệp đóng BHXH chưa đúng với số đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm…nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để; đối tượng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc chưa đúng quy định của pháp luật về BHXH. Tình trạng người lao động bị mất quyền lợi trong nhiều lĩnh vực nhưng chậm giải quyết hoặc phải chịu thiệt thòi khi thôi việc...

Từ những thuận lợi, khó khăn trên, thiết nghĩ trong thời gian đến để công đoàn làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội cần thực hiện tốt những kiến nghị, đề xuất như sau:  

Thứ nhất,  để tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 217,218 của Bộ Chính trị đạt kết quả tốt cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong hoàn thiện quy định về việc tổ chức giám sát đối với từng loại hình cơ quan, doanh nghiệp cụ thể.

Thứ hai, tăng cường phố biến, quán triệt những chính sách pháp luật liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động một cách thường xuyên, bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của mọi người. Chỉ đạo các cấp công đoàn căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, tập trung lựa chọn, xác định nội dung giám sát thiết thực, ưu tiên những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan đến việc thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, tiền thưởng, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; bố trí nguồn kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác tuyên truyền, thực thi pháp luật về BHXH, pháp luật lao động.

Thứ tư, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ, từ đó giám sát, phản biện, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, tránh những bức xúc dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, bộ máy, cán bộ; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ công đoàn tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Thứ năm, cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát  về thực hiện chính sách BHXH, pháp luật lao động cho người lao động. Đánh giá trách nhiệm và phối hợp giữa BHXH, Bưu điện và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách BHXH đến nhân dân và người lao động.

Thứ sáu, doanh nghiệp nợ BHXH đã dẫn đến tình trạng người lao động không được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng về BHXH nhưng việc xử lý trách nhiệm  của nười sử dụng lao động trong vấn đề này còn thiếu kiên quyết. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng khi phát hiện có hành vi vi phạm hành chính kịp thời xử lý vi phạm đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các nội dung khác theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật BHXH, Bộ Luật Lao động, đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.



Nguyễn Khoa Hoài Hương

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---