Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Tin tức, sự kiện

Cập nhật lúc : 10:57 07/08/2019

TÔI GỌI NƠI ẤY LÀ MÁI ẤM !

Có ai đó từng nói rằng: “Nếu phải làm một công việc mình không yêu thích, tại một nơi mình không yêu thích thì quả thật là bất hạnh!”, tôi rất đồng tình với quan điểm này. Người ta chăm chút tổ ấm gia đình là đúng, vì đó là nơi bắt nguồn của hạnh phúc. Nhưng thật đáng buồn vì không ít người quên rằng phần lớn thời gian của cuộc đời, thời thanh xuân tươi đẹp, chúng ta dành cho nơi làm việc. Bởi vậy, nếu ở nơi ta cống hiến phần lớn cuộc đời mà ta không hạnh phúc, chẳng phải ta sống hoài phí lắm sao!


           Tôi là một cô giáo dạy Ngữ Văn, mười hai năm tuổi nghề chưa thể gọi là đầy mình kinh nghiệm, nhưng cũng đủ để có thể hiểu và cảm nhận về công việc mình đang làm. Thật may mắn vì tôi vẫn yêu nghề, mến trẻ, vẫn khát vọng được cống hiến và tâm huyết trong từng phút giây đứng trên bục giảng. Và hạnh phúc nhất với tôi có lẽ là cảm giác muốn đến trường mỗi ngày. Không ít bạn bè cùng lứa sư phạm của tôi đã thấy mệt mỏi, dù đi chưa hết một phần ba chặng đường, thậm chí có đứa còn rẽ ngang qua một con đường khác chỉ vì không còn muốn đứng trên bục giảng. Bởi thế, tôi gọi tình yêu trường lớp, yêu học sinh đang còn cháy trong tâm hồn tôi là niềm hạnh phúc lớn lao. Dĩ nhiên, không có thứ tình cảm nào tự nảy sinh và tự duy trì mãi được. Tôi vẫn yêu công việc, yêu nơi làm việc vì tôi cảm nhận được nơi ấy cũng dành cho tôi tình cảm thật ấm áp, chân thành.

        Ngôi trường nơi tôi đang cống hiến những tháng ngày tươi đẹp nhất của mình mang tên một danh tướng tài ba, Nguyễn Tri Phương. Đó là ngôi trường cấp hai nổi tiếng trên địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều đồng nghiệp đã mừng cho tôi khi từ một trường ven thành phố, tôi được chuyển đến Nguyễn Tri Phương danh tiếng. Bản thân tôi ngày nhận quyết định thuyên chuyển cũng hạnh phúc vô cùng. Một người mẹ, người vợ trẻ có con thơ, có mẹ già và một tổ ấm riêng tư mới bắt đầu xây dựng làm sao không hạnh phúc khi được về công tác gần nhà cơ chứ! Nhưng trong niềm vui lại xen lẫn âu lo không thể che giấu bởi vừa bước qua những năm tháng chập chững vào nghề chưa lâu, giờ tôi lại phải làm lại từ đầu ở một môi trường mới. Tôi mất ngủ mấy đêm liền vì nghĩ rằng những ngày sắp tới tôi sẽ trở thành một người xa lạ trong ngôi trường rộng lớn ấy. Thế nhưng không như tôi nghĩ, cảm giác lạc lõng trong một môi trường mới đã nhanh chóng biến mất nhờ những ánh mắt, nụ cười thân thiện của đồng nghiệp, của học sinh thân yêu. Bốn năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của chị chủ tịch công đoàn ngày tôi nộp giấy tờ chuyển sinh hoạt: “Chúc mừng em đã trở thành thành viên dưới mái nhà chung Nguyễn Tri Phương, ở đây vui vẻ và ấm áp lắm em ơi, đừng lo lắng quá nghe, có chi khó khăn không biết hỏi ai thì tìm công đoàn em hí!”. Câu nói này quen thuộc lắm, vì chỉ cách đó ít hôm khi tôi có quyết định thay đổi nhiệm sở, mẹ cũng đã dặn tôi có gì băn khoăn con cứ tìm đồng nghiệp nào làm công đoàn mà hỏi. Phải chăng vì thế mà câu nói chân thành ấy như cho tôi một điểm tựa giữa chơi vơi lòng mình. Chị còn vui vẻ nói chuyện thêm vài phút trước khi vào tiết: “Em còn trẻ, bỡ ngỡ ít ngày thôi em hí, rồi tham gia công đoàn với các anh chị, nhiều hoạt động vui mà ý nghĩa lắm!”.

        Quả thật, bốn năm qua dưới mái trường Nguyễn Tri Phương, tôi đã gặp không ít khó khăn từ công tác giảng dạy, đến công tác chủ nhiệm và cũng không dễ dàng để bắt nhịp với các hoạt động giao lưu, đối ngoại...liên tục diễn ra của trường. Có lúc tôi mệt mỏi, thậm chí nghi ngờ cả năng lực của bản thân. Những lúc như thế, các chị em trong tổ Ngữ Văn lại cho tôi những lời khuyên, lời động viên chân tình. Không chờ tôi hỏi, nhiều chị em trong trường đã chủ động quan tâm tôi. Mỗi ngày gặp nhau lại trao nhau nụ cười, lại khoác vai với những lời động viên : “Ổn dần chưa em?”, “Yên tâm đi, ở đây học sinh ngoan lắm, mọi người đều thân thiện”, “Công việc chủ nhiệm có gì khó khăn không? Em nên…”…tất cả đều là những lời nói rất giản dị mà ấm áp tình người. Từng bài dạy còn non nớt của tôi nhờ những cô giáo đi trước mà hoàn thiện dần. Nhiều lắm những cuộc trò chuyện cởi mở với đồng nghiệp đã giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống và dần bắt kịp nhịp làm việc của nhà trường. Tôi nhanh chóng lấy lại cảm giác tự tin, sự ấm áp và niềm vui mỗi ngày đến trường.

          Khi những ngày tháng bỡ ngỡ đã qua đi và bắt đầu cùng tham gia vào hoạt động công đoàn, tôi nhận ra làm công đoàn thật không dễ dàng. Hồi mẹ tôi chưa về hưu, bà cũng là một chủ tịch công đoàn nhiều năm, mẹ thường đùa với bố con tôi là mẹ đang “làm dâu trăm họ”. Giờ đây các anh chị em trong ban chấp hành trường tôi cũng thế, các anh chị ấy không ngại việc “làm dâu trăm họ”, mà chỉ đơn giản là trước mỗi hoạt động tổ chức cho các công đoàn viên trong nhà trường đều mong muốn làm được tốt nhất có thể, đem đến niềm vui, tình cảm gắn bó giữa mọi người. Làm việc công đoàn là trách nhiệm, là nghĩa vụ của những người có tâm với phong trào chung, vì lợi ích của cộng đồng, hoàn toàn không vụ lợi, thậm chí còn nhận về mình những thiệt thòi. Giờ thì tôi hiểu ngày trước tại sao mẹ luôn nói không phải ai cũng có thể đảm trách nhiệm vụ công đoàn, đó là công việc của những người có tâm huyết. Tôi khâm phục các anh chị trong ban chấp hành công đoàn trường tôi lắm! Loay hoay với việc gia đình, bận rộn với những trang giáo án, với bao nhiêu hoạt động khác của học sinh, tôi còn không tìm được cho mình những giờ phút riêng tư nữa. Vậy mà các anh chị ấy còn sắp xếp được thời gian cho vô số các hoạt động của công đoàn. Từ quan tâm đến quyền lợi trong công việc, đến những chuyến tham quan nghỉ ngơi cho các đoàn viên trong nhà trường, những ngày lễ Tết cho cả con em cán bộ công nhân viên…Ngoài hoạt động bề nổi, công đoàn còn sâu sát đến tâm tư, tình cảm đời thường của những đoàn viên công đoàn còn khó khăn về kinh tế cũng như đời sống tinh thần…

           Với tâm huyết cao đẹp ấy, nhiều năm qua, Công đoàn trường tôi đạt nhiều thành tích đáng tự hào: Được Liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen năm học 2017-2018; Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen Phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” giai đoạn 2016-2018; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng khen năm học 2018-2019; Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng Phong trào “Công đoàn cơ sở không khói thuốc”năm 2019.

         Ngày tháng qua đi, đối với mỗi học sinh Nguyễn Tri Phương, trường học là mái nhà chung, nơi lưu giữ những kỉ niệm thời thanh xuân đẹp đẽ mà các em trân trọng thì với tôi, tôi gọi nơi ấy là mái ấm. Đó là hơi ấm của tình yêu thương, sự sẽ chia, gắn bó của từng thành viên công đoàn. Tôi tin nhiều giáo viên khác trong trường Nguyễn Tri Phương cũng mang trong mình niềm hạnh phúc, niềm tự hào được sống và làm việc ở một ngôi trường có bề dày truyền thống dạy tốt, học tốt, với tinh thần tương thân, tương ái như vậy./.

								

Trần Thị Hồng Hà - Giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Em là giáo viên tại một trường tiểu học. Em đã được nhận bằng khen của ... 

Trả lời:

Theo định tại Điều 3 Thông tư 08/2013//TT-BNV thì điều kiện nâng bậc lương ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---