Chính sách KTXH
Chế độ trợ cấp thôi việc Cho người lao động - thực tiễn áp dụng tại Thừa Thiên Huế
Việc làm đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là điều không thể thiếu đối với từng cá nhân và toàn bộ nền kinh tế, là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt trong các hoạt động kinh tế và chi phối toàn bộ mọi hoạt động của cá nhân và xã hội.
Khi tham gia vào quan hệ lao động vì một lý do nào đó người lao động không có việc làm, người lao động sẽ cần một khoản trợ cấp để giải quyết những khó khăn nhất định trong quy trình tìm kiếm một việc làm mới và trang trải cho những nhu cầu thiết yếu khi không còn thu nhập. Qua thực tế tình hình tại tỉnh TT Huế, người sử dụng lao động đã chi trả đúng đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc khi chấm dứt quan hệ lao động, áp dụng cách tính chế độ cho người lao động đúng theo quy định của pháp luật, nghiêm túc thực hiện việc chi trả khoản tiền khi người lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp khi đã tham gia quan hệ lao động từ 12 tháng trở lên. Điển hình là Công ty Bia Huế, công ty xi măng Long Thọ, công ty cổ phần xây lắp Thừa Thiên Huế, nhà máy dệt Thủy Dương… không những bảo đảm trả đúng, trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động mà hằng năm còn góp phần giải quyết cho nhiều nhân công chưa có việc làm trên địa bàn, giảm bớt gánh nặng xã hội.
Công tác giám sát việc thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc đã được chính quyền và công đoàn các cấp quan tâm. Cuối năm tất cả các doanh nghiệp sử dụng lao động đóng tại địa bàn tỉnh phải báo cáo số lượng người lao động, số người mới giao kết hợp đồng lao động, số người thôi việc được hưởng chính sách trợ cấp nên cơ quan quản lý địa phương đã thống kê, đánh giá việc thực hiện. Từ số liệu đó, cơ quan chức năng có định hướng phù hợp cho người lao động sau khi chấm dứt quan hệ việc làm. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp Nhà nước và ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn đã tăng cường đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc, tăng cường mở rộng sản xuất kinh doanh nên lao động nghỉ việc ngày càng giảm.
Công đoàn các cấp đã đồng hành cùng doanh nghiệp cập nhật, phổ biến, tuyên truyền nội dung quy định trợ cấp thôi việc cho CNLĐ, hướng đến xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Từ đó, người lao động ngày càng có ý thức cao trong việc tìm hiểu quyền lợi của bản thân khi chấm dứt quan hệ lao động. Chính hiểu biết về pháp luật nên khi nghỉ việc họ đã có những hành động để bảo vệ quyền lợi của mình như liên lạc với Văn phòng Tư vấn Pháp luật Liên đoàn lao động tỉnh, với công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được nhanh chóng và đúng luật.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc tại Thừa Thiên Huế cũng gặp phải những tồn tại, Đó là, người lao động chưa hiểu đầy đủ các quy định pháp luật lao động về chế độ trợ cấp thôi việc, nên trong khi thực hiện quyền lợi của mình, một số người lao động đã vận dụng sai và đòi hỏi quyền lợi không chính đáng, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Một số khác lại quên đi quyền lợi của mình khi làm việc 12 tháng trở lên tại doanh nghiệp cũ.
Bên cạnh đó, tình hình các doanh nghiệp vi phạm về việc không đóng bảo hiểm xã hội. Vẫn còn nhiều đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền trên 35 tỷ đồng và thời gian nợ kéo dài, nhiều doanh nghiệp không thực hiện kiến nghị của các cơ quan chức năng về việc khắc phục hậu quả vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hàng ngàn CNLĐ. Các đoàn kiểm tra liên ngành và cơ quan BHXH tỉnh đã nhiều lần kiến nghị xử phạt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Mặt khác, tinh thần tự giác của người sử dụng lao động khi giải quyết chế độ cho NLĐ nghỉ việc chưa cao đặc biệt một số doanh nghiệp còn còn trả chậm, gây khó khăn hoặc “che mắt” người lao động, khi nghỉ việc thường chi một khoản tiền nhỏ với hình thức là hỗ trợ chứ không nói rõ tiền chi trả trợ cấp thôi việc. Nhiều người sử dụng lao động không quan tâm đến quy định của pháp luật lao động nói chung và quy định pháp luật về trợ cấp thôi việc nói riêng. Nguyên nhân của những tồn tại trên còn do công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật lao động, đặc biệt là chế độ trợ cấp thôi việc vẫn chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, chỉ chủ yếu tập trung ở những người hoạt động chuyên môn mới nắm rõ những quy định về chế độ này. Vì vậy, sự hiểu biết của người sử dụng lao động và người lao động trong lĩnh vực này rất mơ hồ, đặc biệt là đối với người lao động.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện luật lao động, đặc biệt là trợ cấp thôi việc chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế quản lý về thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động hiện nay còn gặp nhiều bất cập, chưa đồng nhất giữa cơ quan LĐ,TB và XH và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong vấn đề quản lý. Khó khăn chung của hoạt động Công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNLĐ là chế tài xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc còn nhiều bất cập. Mức độ xử lý vi phạm lao động đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn quá nhẹ, chỉ với hình thức nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền nhưng chưa hiệu quả. Thêm vào đó, quy định mức trợ cấp một năm bằng ½ tháng lương là quá thấp, không những thế khi thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thôi việc người lao động nhận khoản trợ cấp này chậm, gây khó khăn cho việc trang trải cuộc sống khi không còn tham gia quan hệ lao động. Một bất cập nữa đó là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đều không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Để làm tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động, các cấp CĐ cần tập trung tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động nói chung và trợ cấp thôi việc nói riêng, lồng ghép vào chương trình truyền thông- giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ tại cơ sở; tư vấn, giải đáp thắc mắc vấn đề việc làm, trợ cấp thôi việc… trên các trang thông tin chuyên ngành và báo chí. Đồng thời, Công đoàn phải liên hệ, có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý lao động để chăm lo tốt hơn nữa quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có biện pháp để quản lý việc thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc trong các doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát quá trình thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt là chế độ trợ cấp thôi việc. Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động được hưởng trợ cấp thôi việc phù hợp với tình hình thực tiễn, Nhà nước cần phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá những thay đổi trong chính sách việc làm và nguyện vọng chính đáng của người lao động để ban hành những quy định phù hợp với điều kiện hiện tại. Đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý để cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện trợ cấp thôi việc ở địa phương tốt hơn, giúp cho công tác quản lý được hiệu quả. Chế độ trợ cấp thôi việc có liên quan chặt chẽ đến nhiều chính sách xã hội vỹ mô khác. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện những quy định về chế độ trợ cấp thôi việc, Nhà nước cũng cần hoàn thiện những chính sách liên quan mà trước tiên là chính sách về việc làm, chính sách dịch vụ việc làm, chính sách đào tạo, đào tạo lại; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,... bảo đảm sự hài hòa giữa quy định về trợ cấp thôi việc với những loại trợ cấp có liên quan khác cũng như bảo hiểm xã hội.
Để giảm bớt gánh nặng về nguồn kinh phí chi trả cho người lao động khi chấm dứt quan hệ việc làm, gây khó khăn cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, Nhà nước nên có những hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như cho vay vốn với lãi suât thấp, hỗ trợ về thuế nhà đất, thuế thu nhập doanh nghiệp,… Nhằm đảm bảo sự công bằng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì pháp luật nên quy định trong mọi trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (kể cả đúng pháp luật và trái pháp luật) đều được hưởng trợ cấp thôi việc. Đồng thời, nên tiếp tục duy trì quy định song song hai chế độ trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Vì trợ cấp thôi việc là khoản tiền doanh nghiệp trả cho người lao động khi họ rời khỏi doanh nghiệp, là phần chia lợi nhuận khi người lao động không làm việc nữa, khoản trợ cấp này phụ thuộc vào thâm niên công tác của người lao động nên không ảnh hưởng gì đến trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp./.
P.H.A