Thứ sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024

Liên đoàn lao động Tỉnh

Cập nhật lúc : 15:21 08/12/2021

Thay đổi thói quen để chủ động, thích nghi làm việc trong mọi hoàn cảnh

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, làm việc trực tuyến (online) là một giải pháp tình thế để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, cán bộ công đoàn cần phải xác định rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin để thích ứng, sẵn sàng làm việc mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, hoàn thành tốt công việc.


Hình ảnh Hội nghị trực tuyến Sơ kết Chỉ thị 52 tại các điểm cầu ở các cấp công đoàn.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt của người dân mà còn làm thay đổi cả phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp. Các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc trực tuyến tại nhà, cơ quan, đơn vị. Những “thuật ngữ” như: họp trực tuyến, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, triển khai ứng dụng phần mềm phục vụ công tác điều hành, quản lý hoạt động công đoàn,… giờ đây bỗng trở nên gần gũi và quen thuộc hơn bao giờ hết. Việc tăng cường áp dụng phương thức làm việc trực tuyến là cơ hội để các cấp công đoàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác công đoàn, tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Vẫn biết, làm việc trực tuyến là giải pháp nhằm ứng phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 nhưng phương thức này cũng mở ra cơ hội thay đổi cách thức lao động trên nền tảng số trong tương lai, khi nền hành chính hiện đại hóa, chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được hình thành. Vấn đề là từ các cấp công đoàn, cơ quan, đơn vị đến tự thân mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động phải nhận thức được rằng làm việc trực tuyến không chỉ là giải pháp ứng phó tức thời mà còn là xu hướng tất yếu, một lựa chọn trong tương lai để từ đó thích ứng với phương thức làm việc mới mẻ này. Và để đáp ứng yêu cầu công việc, bản thân cán bộ, đoàn viên phải nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Yêu cầu tương tự cũng đặt ra với chính người lao động, người dân.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những điều này cũng giúp các cơ quan, đơn vị giảm được chi phí cho bộ máy, văn phòng phẩm, chi phí điện nước, công nhân lao động, người dân giảm được sự phiền hà, đỡ phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục, đồng thời còn biết được tiến độ giải quyết hồ sơ của mình.

Làm việc trực tuyến cũng là thử thách với những người thiếu tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc. Với những người, làm việc tại cơ quan, đơn vị, thường xuyên được cấp trên "cầm tay chỉ việc", được đồng nghiệp góp ý, gợi mở giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý công việc, thì khi làm việc trực tuyến, mọi sự giúp đỡ, hướng dẫn đều qua điện thoại, tin nhắn trên các ứng dụng trên mạng xã hội (Zalo, facebook,...) nên việc thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ khó khăn hơn. Vì thế, để làm việc trực tuyến hiệu quả, ngoài ý thức tự giác cao, việc rèn luyện tính độc lập, tự chủ trong công việc cũng hết sức quan trọng.

Trong thời qua, cơ quan tôi cũng không ngoại lệ, chúng tôi họp, làm việc từ xa, nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành công việc theo chương trình, kế hoạch trong điều kiện di chuyển và tập trung đông người không cho phép. Ban đầu, có thể lãnh đạo sẽ lo lắng khi cán bộ, công chức, nhân viên làm việc trực tuyến ảnh hưởng đến chất lượng công việc, sự trao đổi thông tin bị ngắt kết nối giữa chừng, vấn đề bảo mật thông tin. Nhưng thực tế, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản về nội dung, phương tiện, kỹ thuật, các cuộc họp vẫn đạt chất lượng, duy trì liên lạc an toàn và bảo mật.

Quả thật, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi một thói quen, vốn dĩ thay đổi thói quen đã khó và để hình thành một thói quen mới lại càng khó hơn. Làm việc trực tuyến với nhiều người có thể là một giải pháp tình thế để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần xác định phải rèn luyện, thích ứng để sẵn sàng làm việc mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc được giao./.

ĐẠT NGUYỄN

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Em là giáo viên tại một trường tiểu học. Em đã được nhận bằng khen của ... 

Trả lời:

Theo định tại Điều 3 Thông tư 08/2013//TT-BNV thì điều kiện nâng bậc lương ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---