Thứ tư, ngày 20 tháng 11 năm 2024

Liên đoàn lao động Tỉnh

Cập nhật lúc : 11:00 07/02/2020

Người bác sỹ hết lòng chăm lo và bảo vệ sức khỏe của nhân dân


 

 

“Tính tình cởi mở, hòa nhã với đồng nghiệp và tận tâm với công việc, hết lòng phục vụ bệnh nhân” đó không chỉ là lời nhận xét của hầu hết cán bộ, viên chức y tế đã từng làm việc và tiếp xúc với anh, mà đây còn là lời nhận xét và truyền miệng của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng được tiếp xúc và được anh điều trị. Anh chính là Tiến sĩ - Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đức Hoàng - (nguyên là Phó Giám đốc- Chủ tịch CĐCS TTYT thị xã Hương Trà) và nay hiện là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Điều trị tích cực chống độc, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở II.

Ước mơ trở thành một bác sĩ, tốt nghiệp THPT năm 1987, anh Nguyễn Đức Hoàng đăng ký thi vào Trường đại học Y khoa Huế. Những năm trên giảng đường đại học, 6 năm liền anh là sinh viên giỏi, ưu tú của trường. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Huế, anh về nhận công tác tại Phòng khám Km 9 thuộc Trung tâm Y tế Hương Trà. Lúc đó điều kiện đi lại ở Hương Trà còn khó khăn, giao thông chưa thuận tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh vô cùng thiếu thốn. Nhưng điều đó không hề làm nản lòng người bác sĩ trẻ, ngược lại đây như là lời thách thức và là động lực để anh theo nghề, yêu nghề hơn. Từng câu, từng chữ trong lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu” như thôi thúc anh, nhắc nhở anh phải làm việc hết mình vì người bệnh và vì nghề cao quý mà anh đang theo đuổi.

*Vững chuyên môn, hết lòng vì người bệnh

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, anh còn tham gia công tác phòng chống và tư vấn dịch bệnh. Theo lời anh kể lại, sau trận lũ vào năm 1997, tại xã Hương Toàn xảy ra dịch tả tràn lan. Lúc đó, anh cùng y bác sĩ nơi đây đã lăn lộn phòng chống dịch và trực tiếp cấp cứu, điều trị cho hơn 10 người dân. Thời gian đó, anh đã làm việc không biết mệt mỏi, cùng đồng nghiệp tìm biện pháp để khống chế dịch bùng phát cứu giúp cho người dân. Sau lần đó anh được chính quyền và người dân nơi đây hết lời khen ngợi và quý mến.

Năm 1998, anh được Sở Y tế Thừa Thiên Huế cử đi học lớp cao học nội khoa ở Trường đại học Y Dược Huế. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều về làm Trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu tại Trung tâm Y tế Hương Trà. Anh là người bác sĩ giản dị, cởi mở, tâm huyết với nghề, yêu thương người bệnh. Và hơn hết, anh đã truyền được cho bệnh nhân niềm tin, nghị lực về cuộc sống để vượt qua bệnh tật. Không chỉ được sự yêu quý từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, mà anh còn có được lòng yêu mến và sự kính trọng từ đồng nghiệp.

Năm 2003, anh tiếp tục nghiên cứu sinh tại Trường đại học Y Dược Huế. Tháng 7/2007, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành nội tim mạch và đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Trà. Ngoài làm công tác quản lý, ngày nào cũng trực tiếp thăm khám, chữa bệnh cho nhân dân. Mỗi ngày, ngoài việc cấp cứu cho các ca bệnh nặng anh còn thăm khám cho hàng chục lượt người.

BS. Hoàng thường tâm sự với đồng nghiệp: Là người thầy thuốc trước hết cần có “Tay nghề vững vàng, có tâm với nghề, có đức với người”, xem bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Không chỉ năng nổ với công việc ở cơ quan, anh còn mở phòng khám riêng nhằm hỗ trợ thăm khám cho người dân quanh vùng. Đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, anh tư vấn, khám  và chữa bệnh miễn phí. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, anh còn tham gia công tác phòng chống và tư vấn dịch bệnh. Theo lời anh kể lại, sau trận lũ vào năm 1997, tại xã Hương Toàn xảy ra dịch tả tràn lan. Lúc đó, anh cùng y bác sĩ nơi đây đã lăn lộn phòng chống dịch và trực tiếp cấp cứu, điều trị cho hơn 10 người dân. Thời gian đó, anh đã làm việc không biết mệt mỏi, cùng đồng nghiệp tìm biện pháp để khống chế dịch bùng phát cứu giúp cho người dân. Sau lần đó anh được chính quyền và người dân nơi đây hết lời khen ngợi và quý mến.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về anh qua lời kể của bệnh nhân.

Theo lời kể của bệnh nhân Hồ Văn Hát, người dân tộc thiểu số ở xã miền núi Hồng Tiến, người đã điều trị tại TTYT Hương Trà kể lại: Một lần anh thiếu tiền ăn sáng và rất bất ngờ khi được BS. Hoàng rút tiền trong ví tặng cho anh. Mặc dù số tiền không lớn nhưng cũng đủ làm anh ấn tượng và nhớ mãi về tấm lòng của người bác sĩ.

Vào ngày 1 Tết Nguyên đán năm 2018, tại xã Hải Dương, Hương Trà Thừa Thiên Huế xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ngay từ sáng sớm, BS. Hoàng cùng Ban Giám đốc và cán bộ phòng chống dịch không quản ngày nghỉ, lễ, những ngày hiếm hoi quây quần bên gia đình đã có mặt tại đây để kịp thời xử lý tránh điều đáng tiếc xảy ra.

                             

Cụ Hoàng Thị Giơi (87 tuổi, ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị tim mạch vành, suy tim và hen suyễn. Gia đình cụ thuộc hộ nghèo, cũng may nhờ BS. Hoàng mà cụ đã sống đến ngày hôm nay. Cụ xúc động kể lại:  “Sau nhiều lần điều trị, do bệnh nặng nên tôi đã nằm viện dài ngày, mỗi ngày BS. Hoàng luôn dành thời gian xuống giường bệnh thăm khám, động viên và giúp đỡ tôi”. Còn bác Trần Công Hòa ở Sơn Công, thị xã Hương Trà tâm sự: Bác bị tai biến nặng, sau khi cấp cứu và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực may mắn cũng được BS. Hoàng điều trị và chăm sóc. Nhờ vậy, bệnh tình hiện nay của bác đã thuyên giảm và đã xuất viện.

 Những trường hợp trên chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện về công tác chăm sóc bệnh nhân mà hơn 25 năm BS. Nguyễn Đức Hoàng đã để lại ấn tượng đẹp về công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà cả các tỉnh lân cận. BS. Nguyễn Đức Hoàng cũng là một trong những người tiên phong trong các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo và vùng núi như huyện vùng cao A Lưới. Anh tâm sự với chúng tôi: “Mỗi lúc chứng kiến bệnh nhân đau đớn mình cũng có cảm giác như người nhà của mình đau đớn vậy”.

*Đam mê nghiên cứu khoa học

Công việc bận rộn nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học không bao giờ dừng lại. BS. Hoàng từng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.

Trong thời gian từ năm 2001 đến 2010, anh và đồng nghiệp (ở cơ quan, BV TW Huế, Đại học Y Dược Huế) đã tham gia và chủ trì thực hiện hơn 35 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, ngành đã được công nhận và áp dụng vào thực tiễn khám chữa bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt, các đề tài: Nghiên cứu tỷ lệ rối loạn nhịp tim ở người trên 15 tuổi tại Bệnh viện Hương Trà; Nghiên cứu tỉ lệ tăng huyết áp và Homocysteine máu theo thể tai biến mạch máu não; Có hay không hội chứng X; Nghiên cứu rối loạn glucoza máu ở bệnh nhân béo phì dạng nam; Nghiên cứu nồng độ axit uric máu ở bệnh nhân suy thận mạn; Hiệu quả của việc phối hợp Berodual dạng khí dung với Diaphylline tĩnh mạch trong điều trị hen phế quản cấp nặng; nghiên cứu tỉ lệ đái tháo đường ở bệnh nhân tăng huyết áp... Nhiều đề tài đã được đăng trên tạp chí Y học thực hành, báo TT Huế, được áp dụng vào thực tiễn.

Năm 2010, anh đã cho ra quyển “Cẩm nang dự phòng và điều trị các bệnh thường gặp” do Nhà xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh ấn hành được Hội đồng khoa học đánh giá cao.

 

*Người bác sĩ kính trên, nhường dưới, tận tụy với công việc

Ngoài là một bác sĩ vững về chuyên môn, hết lòng vì người bệnh, người ta còn bắt gặp ở anh là một bác sĩ có lối sống giản dị, hòa đồng với mọi người, tận tụy với công việc. Trong những năm gần đây, thực hiện Thông tư số 14/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về khám sức khỏe theo mẫu mới nên vấn đề khám có nhiều chi tiết và qua nhiều công đoạn bộ phận, sau khi khám xong có lúc đến 12h trưa nhưng anh vẫn ngồi phân loại, kết luận sức khỏe xong mới đi ăn trưa.

Trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” anh là một trong những tấm gương tiên phong và được Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen. Tháng 8/2009, anh được Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế chọn làm thành viên chính thức tham dự Đại hội Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại Hà Nội.

*Vươn lên và vươn xa nhờ nỗ lực không ngừng

Hết lòng với công việc chăm sóc sức khỏe người bệnh, năm 2010, anh được Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế điều động về công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế, với chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nội - Tim mạch.

Năm 2016, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế được sáp nhập thành cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế, anh tiếp tục được cử sang du học Đại học Inha (Hàn Quốc) chuyên  ngành tim mạch. Sau thời gian tu nghiệp và học tập, thu thập thêm nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm tầm quốc tế, anh trở về Việt Nam đảm nhiệm vai trò của một Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc ở cơ sở 2 mà Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã tin tưởng và quyết định giao phó. Ở cương vị mới, trọng trách nặng nề, nhiệm vụ lớn lao, BS. Nguyễn Đức Hoàng vẫn luôn hết lòng vì người bệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.

 

 Hoàng Liên Thành- CĐCS trưởng tiểu học Tứ Hạ- Hương Trà

 

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---