Thứ tư, ngày 20 tháng 11 năm 2024

Liên đoàn lao động Tỉnh

Cập nhật lúc : 16:05 17/12/2021

Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập tập thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được ví như một “Bộ Luật Lao động con” tại mỗi doanh nghiệp. Một bản TƯLĐTT có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ và giải quyết mối các quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Trong đó, có những thoả thuận với nội dung có lợi hơn cho người lao động và cao hơn quy định của pháp luật như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tuyển dụng, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, hòa giải và thương lượng khi có tranh chấp lao động, tham quan nghỉ mát, tiền tàu xe khi nghỉ phép, một số chế độ đối với lao động nữ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phương tiện đi lại cho công nhân lao động,…


Hình ảnh minh họa (nguồn từ Internet)

Toàn tỉnh hiện có 316 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (CĐCS), qua theo dõi của Ban Chính sách Pháp luật- Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh, hằng năm, CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tổ chức hội nghị người lao động, để đoàn viên, người lao động tham gia ý kiến xây dựng, bổ sung vào kế hoạch hoạt động, quy chế nội bộ,... Đồng thời, chủ động đối thoại với chủ doanh nghiệp, đại diện người lao động ký thỏa ước lao động doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện nay, có 273 doanh nghiệp có CĐCS thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (đạt tỉ lệ 86.4%); năm 2021, có 31 bản TƯLĐTT được ký mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, doanh nghiệp và nguyện vọng chính đáng của người lao động. Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT cơ bản đúng quy trình đảm bảo những nội dung quy định, là cơ sở thực thi chính sách, pháp luật cho người lao động ở doanh nghiệp. Nhiều bản thỏa ước có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất... Điển hình là thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế, Công Scavi Huế, Công ty TNHH Quang Quân, Công CP Bê tông Thương mại và Dịch vụ Thừa Thiên Huế, Công ty CP Đầu tư Thương mại Phát triển Trường Sơn, Công ty CP Hùng Đạt, Công ty TNHH Hưng Long, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Nhật, Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Nguyễn Quang Hợp,...

Việc tổ chức đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn có những TƯLĐTT chưa đảm bảo theo quy định; thương lượng chưa thực chất, chưa đúng trình tự, quy định; một số TƯLĐTT chủ yếu sao chép lại quy định của luật, không có điều khoản có lợi hơn cho người lao động... Đối với những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở sẽ thông qua công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để ký TƯLĐTT, song thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chưa ký kết TƯLĐTT doanh nghiệp.

Nguyên nhân thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về TƯLĐTT đến với doanh nghiệp còn hạn chế; người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết trong ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Một số đơn vị, doanh nghiệp có các hoạt động thiết thực chăm lo tốt lợi ích cho người lao động nhưng lại không đưa vào nội dung của bản TƯLĐTT. Mặt khác, một số cán bộ CĐCS năng lực, kỹ năng đàm phán còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm và cập nhật kiến thức về pháp luật lao động; cán bộ CĐCS là kiêm nhiệm, phụ thuộc vào NSDLĐ nên rất hạn chế trong việc thương lượng với chủ doanh nghiệp, sợ mâu thuẫn khi đòi hỏi lợi ích cho tập thể người lao động bị trù dập, chuyển đổi công việc, mất việc làm,…

Để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả TƯLĐTT nhằm chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong thời gian tới. Các cấp công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và NSDLĐ về sự cần thiết, tầm quan trọng của TƯLĐTT trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà và ổn định trong doanh nghiệp; các quy định của pháp luật lao động về TƯLĐTT để chủ doanh nghiệp, người lao động hiểu và thực hiện nghiêm túc.

Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các Hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn về kỹ năng đàm phán, thương lượng và pháp luật về doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS trong các doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập Tổ tư vấn về thương lượng, ký kết TƯLĐTT ở các cấp công đoàn để hỗ trợ, tư vấn cho công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS; phát huy hiệu quả Thư viện Thỏa ước lao động tập thể để cập nhật, cung cấp thông tin, dữ liệu các TƯLĐTT có chất lượng tốt cho các cấp công đoàn. Lựa chọn đơn vị làm điểm tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai trong các cấp công đoàn theo Hướng dẫn 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với chủ doanh nghiệp thương lượng, ký kết nâng cao chất lượng các bản TƯLĐTT (Ai đại diện cho tập thể người lao động?; Thương lượng, ký kết với ai?; Ký kết nội dung gì?): tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ CĐCS mới thành lập thương lượng, ký kết TƯLĐTT; hướng dẫn các công đoàn cơ sở tiếp tục thương lượng đưa nội dung cốt lõi, thiết thực nhất đối với người lao động và phù hợp thực tế tình hình của doanh nghiệp (ví dụ: quy định về chất lượng bữa ăn ca, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách có lợi khác). Tổ chức chấm điểm TƯLĐTT gắn với việc đánh giá xếp loại, chất lượng hoạt động CĐCS và thông báo kết quả xếp loại của CĐCS đến đơn vị, doanh nghiệp.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên, góp phần xây dựng mối quan hệ tiến bộ, hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và NSDLĐ, để người lao động yên tâm lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp góp phần hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu mà Kế hoạch số 24-KH/TU ngày 15/11/2021  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã đề ra.

ĐẠT NGUYỄN

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---