Liên đoàn lao động Tỉnh
Liên đoàn Lao động tỉnh dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Lê Minh Nhân, TUV, UV Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cùng các đồng chí Thường trực, UV Ban Thường vụ, cán bộ cơ quan LĐLĐ tỉnh và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch LĐLĐ tình bày tỏ lòng tri ân của cán bộ Công đoàn Thừa Thiên Huế , ôn lại những chặng đường cách mạng vẻ vang của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02 tháng 02 năm 1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
Cuối năm 1925 đầu năm 1926, sau hoạt động tham gia bãi khóa đòi thả cụ Phan Bội Châu, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học, từ đó đồng chí lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng. Đồng chí xin vào làm thư ký cho hiệu ảnh, dạy học và gia nhập hàng ngũ công nhân bằng cách trực tiếp lao động làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư.
Khi phong trào "vô sản hoá" được đặt ra và được coi là biện pháp thích hợp để tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất nhiều ý kiến xác đáng về chủ trương này.
Ngày 17/6/1929, tại ngôi nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên.
Ngày 28/7/1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã định ra nhiệm vụ mới cho phong trào công nhân và thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Hội trưởng lâm thời. Tháng 12/1929, đồng chí Nguyễn Đức cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, quyết định thống nhất các Tổng Công hội địa phương lên Xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức.
Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại Vinh, bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn tích cực hoạt động cách mạng. Ngày 30.7.1932, thực dân Pháp đưa đồng chí về Nhà lao Hải Phòng. 5h sáng ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp xử chém tại Hải Phòng cùng đồng chí Hồ Ngọc Lân, khi đồng chí 24 tuổi.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng rất sôi nổi và phong phú. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tận trung với nước, tận hiếu với dân, nêu cao tấm gương chói ngời phẩm chất, khí tiết và đạo đức người chiến sỹ cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Gần một thế kỷ, theo ánh sáng tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Công đoàn Nguyễn Đức Cảnh về Công đoàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển không ngừng, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Viết tiếp truyền thống anh hùng trong bảo vệ Tổ quốc trên mảnh đất Thừa Thiên Huế nghĩa tình, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Thừa Thiên Huế hôm nay đã và đang đổi mới để “nối gót ông cha, bước kịp mình”, vững vàng trên tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước thời kỳ CNH- HĐH.
Ban TG-NC LĐLĐ tỉnh
Chưa có bình luận nào cho bài viết này