Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Liên đoàn lao động Tỉnh

Cập nhật lúc : 22:37 28/12/2021

Để đánh giá mức độ người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc

Khái niệm “Thường xuyên” được hiểu như thế nào trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.


Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 có hiệu lực từ ngày 11/6/2003 và hết hiệu lực từ ngày 01/7/2013 quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo trường hợp người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ nếu NLĐ không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục; mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động của đơn vị. Tuy nhiên, Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 thay thế Nghị định 44/2003/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/3/2013, đã không còn giữ lại các quy định trên nữa, mà quy định cơ sở để NSDLĐ đánh giá NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc sẽ chỉ dựa trên các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc tại quy chế do NSDLĐ ban hành sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (Khoản 1- Điều 12).

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” (Điểm a- Khoản 1- Điều 36).

Như vậy, ngoài việc phải quy định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ trong quy chế, NSDLĐ còn phải quy định thế nào là “thường xuyên”  và phải được định lượng bằng cách quy định số lần cụ thể tính trên đơn vị thời gian nhất định mà ở thời điểm đó mà NLĐ không hoàn thành được chỉ tiêu công việc được giao. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, công đoàn cơ sở khi tham gia ý kiến Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành cần lưu ý: Khái niệm “thường xuyên” tại tiêu chí đánh giá do NSDLĐ xây dựng nên đề nghị dựa theo tính chất của mỗi công việc. Đối với công việc cần thời gian dài để thực hiện thì mức độ “thường xuyên” sẽ được xác định trên khoảng cách thời gian giữa các lần không hoàn thành công việc dài hơn. Song, đối với công việc chỉ cần thời gian ngắn để thực hiện, mức độ “thường xuyên” nên vận dụng quy định mức tối thiểu là “ít nhất hai lần trong một tháng” theo quy định tại Nghị định 44/2003/NĐ-CP. Đồng thời, để ghi nhận số lần không hoàn thành công việc của NLĐ nhằm chứng minh thường xuyên, có thể đề nghị NSDLĐ gửi thông tin bằng email, Zalo, facebook của doanh nghiệp (được thống nhất sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp) hay gửi thư cho NLĐ về việc không hoàn thành công việc.

Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cần lưu ý thêm, ngoài quy định tại tại Điểm a- Khoản 1- Điều 36 - Bộ luật Lao động năm 2019, pháp luật lao động không có yêu cầu nào khác bắt buộc NSDLĐ phải nhắc nhở NLĐ trước nếu NSDLĐ có đầy đủ căn cứ chứng minh NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ và theo tiêu chí đánh giá hợp lệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hiểu sự việc một cách khách quan và thấu đáo trước khi đi đến quyết định sau cùng là đơn phương chấm dứt HĐLĐ, công đoàn cơ sở đề nghị NSDLĐ tổ chức một buổi họp đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ với sự tham gia của bộ phận quản lý trực tiếp, đồng nghiệp cùng nhóm làm việc với NLĐ và đại diện của công đoàn cơ sở (những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đại diện); hoặc có thể đề nghị NSDLĐ cho NLĐ một thời gian nhất định để cải thiện tình hình, NSDLĐ có thể tạm ngừng các thủ tục đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho đến khi đánh giá lại mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

Đạt Nguyễn

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---