Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024

Liên đoàn lao động Tỉnh

Cập nhật lúc : 15:17 29/07/2024

Đấu tranh với luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò tổ chức Công đoàn

Thời gian qua, một số thế lực phản động rêu rao rằng, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mang tính hình thức, không dám đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp (DN), với ông chủ. Họ cũng chỉ là người làm thuê và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động và thậm chí, có thể bị sa thải nếu làm trái ý chủ DN... Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, các thế lực phản động lợi dụng triệt để Internet, mạng xã hội, các kênh xuất bản ở nước ngoài, các kênh Facebook, Youtube... để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật”. Chúng dựng lên các video clip, phóng sự có giao diện giống như của Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo, đài chính thống để đưa tin. Mánh lới của chúng là giật tít, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người nhằm hạ thấp vai trò, uy tín cũng như tạo nên hình ảnh méo mó về tổ chức công đoàn; gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của công nhân lao động với tổ chức Công đoàn.


Điều 10, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Qua quá trình hoạt động với bề dày truyền thống 95 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã và đang phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động (NLĐ). Thực tiễn đã chứng minh, không có tổ chức nào ngoài Công đoàn xứng đáng là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động.

Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã khẳng định: “Các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định…”.

Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, tại Thừa Thiên Huế, các cấp Công đoàn đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chăm lo đời sống, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, NLĐ, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận. Đặc biệt, vai trò của Công đoàn còn được thể hiện rõ nét khi các DN có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh đều ký thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn cho đoàn viên, NLĐ so với quy định của pháp luật. Các bản thỏa ước lao động tập thể đã tập trung đi sâu vào nội dung về cam kết việc làm, thời gian làm việc, giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca… đối với NLĐ.

Tổ chức Chương trình đối thoại giữa Lãnh đạo UBND tỉnh với đoàn viên, người lao động năm 2024. Tại hội nghị, hơn 500 cán bộ, đoàn viên, người lao động đã kiến nghị đến Lãnh đạo tỉnh và các đơn vị có liên quan giải đáp 11 đề xuất, kiến nghị, thắc mắc, trong đó tập trung khá nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước về lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, An toàn vệ sinh lao động; tình hình việc làm; vấn đề đào tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân lao động, vấn đề “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp...

Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được triển khai kịp thời, thiết thực, hiệu quả; các hoạt động chăm lo đa dạng, có nhiều đổi mới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Công đoàn đã hỗ trợ, chăm lo cho hơn hơn 49.315 lượt đoàn viên, NLĐ, với tổng số tiền hơn 16,4 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà “Mái ấm công đoàn” được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đã hỗ trợ xây dựng 13 nhà, sửa chữa 09 nhà với tổng số tiền 655 triệu đồng. Triển khai 26 chương trình “Điều ước đoàn viên”, trao hỗ trợ 130 triệu đồng cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giải ngân 25 dự án vay với số tiền 5,22 tỉ đồng từ Quỹ Trợ vốn cho 261 đoàn viên để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với các đối tác triển khai Chương trình phúc lợi cho hàng nghìn lượt đoàn viên, NLĐ với kinh phí hưởng lợi hàng trăm triệu đồng...

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lê Minh Nhân trao tặng quà đến đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Chương trình ”Tết Sum vầy”- năm 2024.

Với phương châm hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên, NLĐ, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Lê Thị Thu Nam cho biết: Xác định chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ là nhiệm vụ trọng tâm, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp chỉ đạo các công đoàn cơ sở thường xuyên đồng hành cùng DN; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ tại các DN; quan tâm nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, công nhân lao động để tháo gỡ kịp thời vướng mắc ngay tại cơ sở. Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp phối hợp với các Liên đoàn Lao động huyện, thị xã có Khu kinh tế, công nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa NLĐ, doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành liên quan kịp thời phát hiện những vướng mắc phát sinh để giải đáp nghiên cứu đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, DN. Đây là giải pháp tốt nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động. 

Người lao động trao đổi ý kiến tại Hội nghị đối thoại.

Thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, các cấp Công đoàn đã giúp đoàn viên, NLĐ hiểu biết về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất và công tác; thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, lao động sáng tạo; đồng thời, tuyên truyền trong công nhân, viên chức, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nghiên cứu, giải quyết. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, về tổ chức Công đoàn trong công nhân, viên chức, lao động và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài…

Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, Công đoàn Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung triển khai hiệu quả các mặt hoạt động, chăm lo ngày càng tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ. Từ đó, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn là điểm tựa vững chắc của đoàn viên, NLĐ. Bởi vậy, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động cần có lập trường tư tưởng vững vàng, tỉnh táo, cảnh giác để không bị lôi kéo, kích động trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của tổ chức công đoàn./.

Đạt Nguyễn

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---