Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Liên đoàn lao động Tỉnh

Cập nhật lúc : 18:25 22/07/2019

CÔNG ĐOÀN ƠI!

Có một câu nói : “Bất cứ ai cũng có thể đem đến sự khác biệt cho cuộc sống của người khác bằng sự quan tâm và tình yêu thương”. Với tổ chức Công đoàn, việc đem lại “sự khác biệt” đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình yêu thương, từ đó tạo cho đoàn viên Công đoàn một niềm tin vào tổ chức, vào những người làm công tác Công đoàn. Muốn vậy, cán bộ Công đoàn cần phải “ lắng nghe cuộc sống gọi từng ngày”, cảm nhận và sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên Công đoàn và người lao động ở cơ sở.


1. Ngôi nhà Công đoàn Việt Nam đón tôi vào cách đây gần 6 năm, thời gian chưa phải là dài trong một cuộc đời nhưng là quãng thời gian có nhiều việc làm ý nghĩa nhất với  tôi. Tôi đã được “ cháy hết mình” vì công việc, vì đoàn viên và người lao động, hướng đến mục tiêu “ quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”. Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện các chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong tôi luôn suy nghĩ làm gì và làm thế nào để cuộc sống của đoàn viên CĐ và CNLĐ có thêm những niềm vui, hạnh phúc mà lại mang dấu ấn đặc trưng văn hóa Huế. Và rồi ý tưởng đám cưới tập thể cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn ra đời… 

          Những ngày đầu tiên sau khi ban hành kế hoạch Đám cưới tập thể, các phóng viên Báo Lao động  gọi đó là đám cưới “xuyên qua giông bão”. Những cơn bão liên tiếp vào những ngày tháng Bảy năm hai ngàn không trăm mười bảy ghé thăm thành phố Huế, những giọt mưa ngày càng nằng nặng như níu cả bầu trời xứ thơ… Và  không chỉ vấn đề về thời tiết, mà còn là “ giông bão” của dư luận ở mảnh đất Cố đô với những lễ nghi, phong tục rườm rà về chuyện cưới hỏi. Ý kiến đồng ý cũng nhiều nhưng không đồng tình cũng không ít…Nhưng người làm công đoàn như chúng tôi thì nắm rõ, có nhiều hoàn cảnh CNLĐ khó khăn, mong ước một lần được khoác lên mình chiếc áo cưới, nên cuối cùng Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quyết tâm thực hiện, dù biết chặng đường phía trước không rải đầy hoa hồng và nến đỏ để thực hiện bằng được những điều ước của đoàn viên Công đoàn.

        Thế rồi, thông tin về đám cưới tập thể với nhiều phúc lợi ưu đãi đối với người tham gia đám cưới xuất hiện đầu tiên trên Báo Lao Động, Báo Thừa Thiên Huế, các báo Trung ương, địa phương ngay sau đó nhận thấy ý nghĩa của chương trình nên cũng chung tay tuyên truyền. Chẳng bao lâu, cán bộ Công đoàn nắm được một số hoàn cảnh, sau khi đến vận động, giải thích thì các cặp đôi đồng ý. Tưởng đã qua được cửa khó, nhưng khi các cặp đôi về bàn với gia đình, thì gặp phải sự phản ứng. Nhiều phụ huynh khó chịu khi nghe con đề cập việc tham gia đám cưới tập thể :“Làm chi mà bôi bác rứa, không có thì thôi chứ làm chi mà đám cưới tập thể” - alo qua điện thoại, một cặp đôi nức nở kể lại với tôi “ Công đoàn ơi, có cách chi giúp chúng em không?

       Sau đó, cán bộ Công đoàn về tận nhà, phối hợp với địa phương đến nói chuyện nhỏ nhẹ với gia đình CNLĐ. Bắt đầu bằng sự hiểu biết về phong tục lễ nghi cưới hỏi, tiếp đó là những lợi ích, ý nghĩa mà đám cưới tập thể mang lại, dần dà những bậc song thân phụ mẫu cũng xuôi, và đồng ý cho con mình được tổ chức đám cưới...Năm 2017, có 22 cặp đôi CNLĐ  đăng ký tham gia chương trình, toàn bộ cán bộ LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành phân công cụ thể công việc từng người. Với tôi, đám cưới con mình lo lắng một, thì đám cưới này lo lắng gấp 22 lần. Và giờ phút thấy cô dâu, chú rể bước lên lễ đài để làm lễ cưới, chúng tôi vui không thể kể xiết, bởi đây là một đám cưới đặc biệt, có 22 niềm hạnh phúc được xe duyên bởi Công đoàn, nói như từ ngữ dân gian Huế là “ Công đoàn làm bà mai”, và “ bà mai” mát tay cho 22 cặp đôi một lúc!

       Dù rất muốn được một lần khoác lên mình chiếc áo cưới, rất muốn được lên xe hoa đường đường chính chính về nhà chồng như bao nhiêu bạn đồng trang lứa khác, thế nhưng, vì cuộc sống gia đình khó khăn mà nhiều CNLĐ ở Huế chọn ở với nhau trước, rồi khi có điều kiện thì cưới... sau. Những giọt nước mắt hạnh phúc, nghẹn ngào tuôn chảy trên má các cô dâu giữa những nụ cười chúc phúc của bà con, bạn bè. Chúng tôi, những cán bộ Công đoàn biết việc mình làm đã đi đến trái tim, đi đến được những điều sâu thẳm nhất của cuộc sống. Vâng,“Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp…”, một lễ cưới trong mơ của những cặp vợ chồng CNLĐ nghèo đã vang lên hai tiếng “ Công đoàn” và ngân nga mãi trên mảnh đất Cố đô Huế, để rồi năm 2018, lại có một đám cưới cổ tích của 12 cặp đôi CNLĐ nữa ấm áp và nhân văn, góp phần tạo nên một sự đổi mới trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị thị, văn hóa cưới hỏi trên địa bàn tỉnh.

  

          Và có lẽ như thấu hiểu cái tâm của những người khoác lên mình chiếc áo xanh lam, áo nhận diện của tổ chức Công đoàn Việt Nam, giông bão của dư luận tan nhanh, dọc đường rước dâu người dân Huế đứng hai bên đường chứng kiến vừa tò mò, vừa thích thú. Giông bão của thời tiết đã tan nhanh, bầu trời  xứ Huế không một gợn mây, nắng vàng ở đâu như tất cả gom về cho Huế, dòng sông Hương như xanh hơn để soi bóng những dáng hình hạnh phúc…

         2. Có một ngày, cán bộ Công đoàn tìm đến tôi và share các ảnh chụp cảnh sống của các giáo viên trường tiểu học Xuân lộc huyện Phú Lộc và trường tiểu học Hương Nguyên vùng cao A Lưới với lời đề nghị chúng tôi tìm cách hỗ trợ… “ Công đoàn ơi! Có cách chi giúp giáo viên vùng sâu, vùng xa không?”

        Những căn phòng công vụ nghỉ trưa chừng mươi mét vuông, xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng; Những chiếc bàn học thấp tè của học sinh tiểu học vùng cao là chỗ nghỉ  trưa  của các thầy cô giáo. Gọi là phòng nghỉ trưa, nhưng khó hình dung ra các thầy cô “nghỉ ngơi” như thế nào trong những căn phòng ẩm thấp, nắng thì nóng hầm hập, mưa thì dột tứ bề. Những bếp củi ngổn ngang vỏ cây và củi nhỏ….Đa số giáo viên của 2 trường tiểu học này đều ở Huế, ở thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, thị xã Hương Trà… Nhà cách trường từ 40- 60km, thế nhưng, khi mùa gieo chữ đến, trước những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những nụ cười lạc quan, yêu nghề của các thầy cô. Giấc ngủ trẻ thơ- những đứa trẻ theo bố mẹ “ cõng chữ lên non” vẫn êm đềm bên cánh võng khi mẹ lên lớp; bên những chiếc bàn tạm bợ, những trang giáo án vẫn được chuẩn bị công phu; trên bục giảng những người gieo chữ thăng hoa với những tiết học…

       Những căn phòng này làm tôi nhớ lại cuộc sống của tôi những năm tháng bao cấp, tôi đã từng sống với bố mẹ như những em nhỏ con của các Thầy cô đang sống hiện tại. Trăn trở với cuộc sống của những “ kỹ sư tâm hồn”, bằng sự quen biết và vận động, thuyết phục các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tôi đã thực hiện lời hứa với đoàn viên, với nguồn hỗ trợ của Hội từ thiện tại Hà Nội; công đoàn Điện lực Thừa Thiên Huế; công đoàn Dệt may Thừa Thiên Huế; Công ty Xăng dầu  Thừa Thiên Huế, để xây mỗi nơi một phòng công vụ chừng khoảng 32m2 có bếp và phòng vệ sinh, giúp đoàn viên Công đoàn ấm lòng để đưa con thuyền tri thức đến với thế hệ trẻ.

      3. “Công đoàn ơi !” đã trở thành tiếng gọi thân quen của đông đảo đoàn viên Công đoàn và người lao động ở Thừa Thiên Huế. Trên trang fb Công đoàn Huế, hàng ngày chúng tôi nghe được tiếng gọi yêu thương đó, có khi là lời chúc một ngày làm việc vui vẻ, có lúc là một câu hỏi về chế độ chính sách hoặc những tâm tư về những vấn đề xã hội, những kỹ năng sống hàng ngày. “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, tiếng gọi “Công đoàn ơi!” lắng sâu vừa yêu thương, vừa gửi gắm tâm tình, gửi gắm niềm tin là kết quả của việc  lắng nghe và chia sẻ của chúng tôi về cuộc sống của người lao động. Tiếng gọi đó trao cho chúng tôi trách nhiệm với đoàn viên, đó sẽ là một động lực để cán bộ Công đoàn chúng tôi đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm với nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới.

Nguyễn Khoa Hoài Hương- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---