Liên đoàn lao động Tỉnh
“Sửa đổi lề lối làm việc” Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức Công đoàn được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính Người đã đặt nền móng tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự hình thành của công đoàn cách mạng, tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm chỉ đạo tổ chức Công đoàn qua từng thời kỳ cách mạng, làm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, của Nhà nước. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, tiếp đó Người đã giao cho tổ chức Công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ Bảo hiểm xã hội, một mảng rất quan trọng của hoạt động công đoàn. Từ sau ngày hoà bình lập lại cho đến khi về với thế giới người hiền, năm nào Người cũng có gần 20 lần đi đến với công nhân, nông dân, trí thức, cơ sở, địa phương. Mỗi lần đi như vậy, Người thường không thông báo trước và Người gặp gỡ nói chuyện ân cần với từng người thợ, từng cụ già, em nhỏ. Điều đặc biệt là khi đi cơ sở, bao giờ Người cũng yêu cầu có cán bộ Công đoàn đi cùng. Người mong cán bộ Công đoàn phải đi sâu đi sát, phải “ba cùng” với công nhân lao động, phải hiểu được những tâm tư nguyện vọng của họ như là cơm ăn nước uống hàng ngày. Gần một tháng trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam. Trong buổi làm việc đó, Người đã đề ra những nhiệm vụ, những yêu cầu cụ thể của tổ chức Công đoàn trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc làm việc đó càng thể hiện sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu đối với tổ chức Công đoàn nói chung và mỗi cán bộ Công đoàn nói riêng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc !
Ngày ra đi tìm đường cứu nước, khám phá, tìm hiểu thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp hội nhập thế giới. Xu thế lớn của thời đại ngày nay là độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngày nay, nhân loại đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế tri thức và cuộc CM KHCN, và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn “bất biến” trong một thế giới “vạn biến”! Do vậy, trước những khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, quan hệ lao động có chiều hướng phức tạp, Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để triển khai trong việc thực hiện Chỉ thị 05, và Di chúc của Bác nhằm gắn với việc thực hiện NQ ĐH CĐ các cấp theo hướng đổi mới hoạt động CĐ, đó là: vì lợi ích của đoàn viên và người lao động.
Trong kho tàng di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của bác, cán bộ CĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã học tập và làm theo tư tưởng của Người từ việc nhỏ, nhưng cụ thể gắn với chức năng nhiệm vụ của mình, đó là: Lắng nghe ý kiến của đoàn viên và người lao động để tham mưu cho Ban chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo và triển khai phong trào theo mong muốn hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương, đó là một trong những nội dung tư tưởng trong phương pháp “Sửa đổi lề lối làm việc” của Bác.
Một trong những điều chủ chốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “ Sửa đổi lề lối làm việc” là “vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái sự lãnh đạo của ta”, do vậy, cán bộ CĐ đã thực hiện tốt kế hoạch phân công đi cơ sở chỉ đạo, nắm tình hình theo sự phân công của Ban Thường vụ, bên cạnh đó, tham mưu thành lập đội ngũ công tác viên dư luận XH Công đoàn, nhằm xây dựng một cánh tay nối dài của LĐLĐ tỉnh ở cơ sở trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên CĐ và NLĐ về việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CĐ; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ… Hoạt động của các CTV dư luận XH CĐ đã góp phần giúp Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đúng định hướng, kịp thời, nhanh nhạy, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế cơ sở, hoặc qua đó đánh giá, xem xét lại các chủ trương, NQ, sự chỉ đạo của ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh được triển khai thực hiện ở cơ sở như thế nào? Hiệu quả ra sao?
Từ sự lắng nghe ý kiến của đoàn viên và NLĐ ở cơ sở, chúng tôi nắm bắt được những khó khăn và nhu cầu thực tế của đoàn viên CĐ ở vùng sâu, vùng xa, ở những CĐCS còn nhiều khó khăn trong việc chăm lo đời sống đoàn viên và NLĐ. Từ đó, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ các công trình nước sạch, phòng công vụ, đồ dùng dạy học cho giáo viên các nơi khó khăn, hoặc đáp ứng yêu cầu được tập thể dục giữa giờ của những CN may suốt ngày cặm cụi bên chiếc máy khâu. Chương trình “ Điều ước đoàn viên”, hướng đến tăng Phúc lợi bổ sung, chăm lo đời sống tốt hơn cho đoàn viên và NLĐ đã được triển khai như thế. Lắng nghe để thấu hiểu,để sẻ chia và để bảo vệ. Nhiều tin nhắn của CNLĐ qua mạng xã hội Công đoàn Huế với tiếng gọi “Công đoàn ơi, hỗ trợ chúng tôi” đã được các cấp CĐ giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách tại cơ sở, giúp đỡ để biến những ước mơ chính đáng thành hiện thực. Nhìn những nụ cười hạnh phúc, những giọt nước mắt hạnh phúc của những đoàn viên CĐ, NLĐ nhận mái ấm CĐ, phòng công vụ, được sử dụng nước sạch… chúng tôi vui mừng vì đã học tập được ở Bác kính yêu tư tưởng “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”
Rất nhiều các hoạt động ở cơ sở, nhiều đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh được hỗ trợ, chăm lo bắt nguồn từ việc “sửa đổi lề lối làm việc” như thế. Điển hình là LĐLĐ thành phố Huế với chương trình chăm lo đời sống cho đoàn viên nghiệp đoàn, phong trào Giờ thứ 9 Xanh, sạch, sáng; chương trình mua tận gốc bán không lãi áo ấm cho đoàn viên CĐ, Liên đoàn Lao động huyện Phú Lộc với chương trình Tết yêu thương xổ số gây quỹ tặng quà cho đoàn viên; LĐLĐ huyện Phong Điền, Nam Đông đưa văn hóa, thể thao về cơ sở với sự tham gia đông đảo của đoàn viên, CNLĐ và nhân dân trên địa bàn; CĐ khu kinh tế CN với giải pháp minh bạch, công khai trong hoạt động CĐ…vv
Với những việc làm như vậy, LĐLĐ tỉnh đang nỗ lực đổi mới hoạt động CĐ từ việc “ lắng nghe ý kiến dân chúng” theo tư tưởng của Người. Đó là nét văn hóa trong công tác lãnh đạo phong trào, góp phần thực hiện lời dạy của Bác: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý...”
Di sản của Người là kho tàng giá trị quý báu, với khát vọng bao trùm là “ Độc lập dân tộc và CNXH”. Với kho tàng di sản đồ sộ đó, chúng tôi, những cán bộ CĐ Thừa Thiên Huế tiếp tục là học trò nhỏ của Người, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người từ những việc nhỏ hàng ngày, những việc cụ thể nhất như lời Bác dặn dò “Cán bộ công đoàn phải là nòng cốt trong hệ thống công đoàn, phải làm gương cho công nhân noi theo”.
Một nhà thơ người Thổ Nhĩ Kỳ từng viết: “Nếu anh không đốt lửa/Nếu tôi không đốt lửa/Thì làm sao bóng tối có thể trở thành ánh sáng”. Việc học tập và làm theo Bác từ mỗi cán bộ CĐ, mỗi đoàn viên, CNLĐ, mỗi tổ CĐ, mỗi CĐCS có thể bắt đầu chỉ là những "đốm lửa nhỏ", mô hình nhỏ, những việc rất nhỏ...sẽ trở thành một phong trào rộng khắp, để tổ chức Công đoàn Việt Nam bước vào giai đoạn mới, hòa nhập nhưng không hòa tan
Ngô Thu Hương
Chưa có bình luận nào cho bài viết này