Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Công đoàn Ngành, cấp trên trực tiếp cơ sở

Cập nhật lúc : 17:24 20/08/2021

ƯỚC MƠ CỦA CÔ BÉ NUÔI TÓC DÀI TẶNG MẸ BỊ BỆNH HIỂM NGHÈO

Thấy mẹ tóc lưa thưa rụng dần do trải qua những lần hóa trị, lại không có tiền để sắm 1 bộ tóc giả đội đầu, bé Na (9 tuổi) (tên nhân vật đã được thay đổi) đã nói với mẹ: “Để con nuôi tóc cho mẹ!”.


Mẹ ruột cô Lý và bé Na thay mặt nhận kinh phí hỗ trợ từ Chương trình "Điều ước đoàn viên" của LĐLĐ vào tháng 6/2021.

Mong muốn nhỏ bé của con

Đó là câu chuyện của cô Hồ Thị Lý (sinh năm 1984), giáo viên trường THPT An Lương Đông (TT Huế), đang mang trong mình căn bệnh Lupus ban đỏ giai đoạn cuối.

Vào năm 2016, khi phát hiện mình bị đau các khớp, cô Lý đã tìm đến nhiều bệnh viện tại tỉnh nhà để thăm khám nhưng không tìm ra bệnh cụ thể. Sau hơn 01 năm điều trị tại vào Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), cô mới biết mình mắc bệnh Lupus ban đỏ. Khi phát hiện cũng là lúc bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối.

Chồng cô Lý cũng là một giáo viên, đang mắc căn bệnh viêm gan mãn tính. Từ khi bệnh trở nặng đến nay, gia đình cô Lý phải chật vật lo tiền chạy chữa đến kiệt quệ. Ngôi nhà cô đang ở được xây dựng từ năm 2015 chưa hoàn thiện, vẫn còn nợ tiền vay chưa trả hết nay phải thế chấp ngân hàng để lo chi phí điều trị và tiền thuốc hàng tháng hơn 2 triệu đồng, tiền thuốc chích loãng xương đến 24 triệu đồng/năm.

Trong một lần nghe mẹ trăn trở về giá 1 bộ tóc giả lên đến 4-5 triệu đồng, nếu có được tóc sẵn thì chỉ tốn công làm khoảng 1,2 triệu đồng, chứng kiến mẹ mình từ một người xinh đẹp nay lại phải chống chọi với bệnh tật làm mẹ đau đớn và rụng hết tóc, cô bé Na uy đã hồn nhiên ngỏ lời nuôi tóc tặng mẹ.

“Con mong mẹ mau khỏi bệnh, con sẽ bóp chân cho mẹ đỡ đau, làm việc nhà giúp mẹ và học thật giỏi cho mẹ vui”, con gái nhỏ của cô Lý lễ phép trả lời khi được hỏi về mong ước của con.

“Khi đó tóc em không có, mọc lưa thưa dựng đứng. Bé nói nhìn mẹ như trái chôm chôm. Để con nuôi tóc cho mẹ!”, cô Lý xúc động nhớ lại.

Sau lần đề nghị đó, cô Lý đã có một mái tóc mới được gom tặng từ tóc của con gái, một đồng nghiệp cùng trường, một học sinh của trường và một người cháu trong gia đình.

Cô Hằng, giáo viên dạy ngữ văn trường THPT An Lương Đông kể lại: “Cô Lý là một đồng nghiệp rất nhiệt tình, vui vẻ hòa đồng với các thầy cô trong trường, được học sinh quý mến. Lúc thấy cô mang tóc giả loại rẻ tiền làm da đầu bị viêm, tôi nói đùa rằng có cần tóc không chị cho, vì tôi cũng hay cắt tóc. Thế là tôi vận động luôn các em học sinh có khi nào cắt tóc thì cho cô xin để giúp cô Lý.”

Phép màu duy nhất chính là tình người trong lúc khó khăn!

Vào năm 2019, cô Lý là một trong những trường hợp đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ cho vay từ nguồn của Báo Tuổi Trẻ với số tiền 20 triệu đồng. Đến nay, sau thời hạn 2 năm phải trả khoản vay, cô Lý vẫn không thể đủ khả năng trả nợ.

Được biết, Công đoàn ngành Giáo dục đã viết đơn xin gia hạn trả tiền vay cho cô Lý. Nhưng nếu trường hợp gia đình cô Lý vẫn không thể trả được khoản nợ từ nguồn hỗ trợ vay vốn của Báo Tuổi Trẻ, Công đoàn ngành sẽ đề nghị đơn vị cho vay xem xét có thể xóa nợ cho trường hợp đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của ngành.

Công đoàn cơ sở nơi cô Lý đang công tác thăm hỏi, động viên và trao kinh phí hỗ trợ từ các nguồn vận động đến gia đình cô Lý trong lúc cô đang nhập viện.

Tháng 6/2021, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp thăm và trao tặng số tiền 5 triệu đồng từ Chương trình “Điều ước đoàn viên” đến gia đình cô Lý (thời điểm đó cô Lý đang phải nhập viện điều trị vì bệnh trở nặng, không được thăm tại bệnh viện do quy định phòng dịch). Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng, tập thể giáo viên, nhân viên của trường nơi cô Lý đang giảng dạy hỗ trợ hơn 24 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh còn kêu gọi các tập thể, cá nhân hỗ trợ qua facebook hơn 11 triệu đồng.

Là đoàn viên thuộc Liên đoàn Lao động huyện Phú Lộc, chồng cô Lý cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Công đoàn cơ sở và Liên đoàn Lao động huyện. Trong một lần nhập viện, cô Lý thiếu tiểu cầu, nhưng gia đình không có người cùng nhóm máu AB, một số thầy cô của trường Tiểu học Thị trấn 1 (huyện Phú Lộc) nơi chồng cô Lý đang công tác đã sẵn sàng túc trực để hỗ trợ hiến máu, hiến tiểu cầu khi cần. Tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của những người là đồng nghiệp, là đoàn viên Công đoàn trong lúc hoạn nạn, khó khăn là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng hơn bao giờ hết!

Được biết, bệnh Lupus ban đỏ hiện vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, cộng thêm các bệnh nền khác như tổn thương đa cơ quan, loãng xương, thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm đa khớp, cao huyết áp, hạ tiểu cầu, đái tháo đường, hai chân run không thể đứng lâu được. Hiện cô Lý đang nghỉ hưởng chế độ ốm đau do bảo hiểm xã hội chi trả. Tuy nhiên, với tiền lương 7 triệu đồng/tháng, chồng cô Lý không biết phải xoay xở như thế nào để có tiền mua thuốc chữa trị cho vợ và trả lãi vay hàng tháng.

Lúc này, sự hỗ trợ của người thân, bạn bè, nhà trường và tổ chức Công đoàn cũng chỉ có thể động viên và phần nào giải quyết một số khó khăn trước mắt đối với gia đình cô Lý. Về lâu dài, rất cần những tấm lòng được sẻ chia, lan tỏa, để niềm tin về một phép màu trong đời thực tiếp tục được thắp sáng cho ước mơ và tương lai của cô con gái nhỏ có mái tóc dài./.

NHÃ PHƯƠNG

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---