Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Công đoàn Ngành, cấp trên trực tiếp cơ sở

Cập nhật lúc : 10:40 04/09/2019

TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU và TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC PHONG TRÀO CƠ SỞ


Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên. Người thường xuyên căn dặn “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, theo Người “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bên cạnh những nguyên tắc cơ bản của tổ chức và hoạt động của công hội trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều chỉ đạo quan trọng về phương thức hoạt động công đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tư duy hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn: “Nơi ăn xấu là vì cán bộ công đoàn không săn sóc đến công việc bếp núc, không cùng ăn, ở với công nhân, là vì có cán bộ công đoàn còn cho công việc bếp núc là hèn hạ, cho rằng công đoàn thì phải có chỉ thị này, thông tri khác mà ít chú ý đến đời sống hàng ngày của công nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán chỉ rõ sự quan liêu của công đoàn: “... Muốn đạt mục đích “đẩy mạnh gia tăng sản xuất, thực hành tiết kiệm” thì cán bộ công đoàn cần phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo phải dân chủ, phải cùng công nhân đồng cam cộng khổ, phải hòa mình với công nhân thành một khối, phải gương mẫu. Nếu không cùng công nhân hòa thành một khối, là quan liêu”. Giải pháp khắc phục cơ bản: “Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên thường xuyên đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”.

Đảng ta thường xuyên chỉ đạo công đoàn quan tâm đổi mới phương thức hoạt động. Nghị quyết 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” yêu cầu: “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp... Các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động”.

 

          Để CĐCS vững mạnh, trước hết phải có đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, tâm huyết, nhiệt tình để dẫn dắt hoạt động của CĐCS đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Mỗi thời kỳ hoạt động công đoàn có những đặc điểm riêng. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bên cạnh những cơ hội còn có thách thức đối với tổ chức công đoàn từ quyền lựa chọn tổ chức thực hiện quyền đại diện của người lao động.         

          Chính vì vậy, mỗi một cán bộ công đoàn trước hết cần phải đề cao trách nhiệm nêu gương của bản thân mình. Cần tự giác, gương mẫu, đi đầu về tư tưởng, chính trị; về đạo đức, lối sống; về tác phong sinh hoạt và công tác, tự giác nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi thấu hiểu tâm tư, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động. Để tổ chức tốt các phong trào ở cơ sở, cán bộ công đoàn phải làm việc bằng cái tâm, nắm được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, khi tổ chức các phong trào hay các hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của họ.

Hướng về cơ sở không có nghĩa là cán bộ CĐ chỉ giao đầu việc cho cơ sở đăng cai, hoặc triển khai thực hiện mà còn phải có giải pháp đồng bộ, hoạt động thực chất, lan tỏa cho đoàn viên và người lao động. đồng thời phải xem xét cơ sở có hưởng ứng và đoàn viên, người lao động có tham gia không, tham gia với mức độ như thế nào?

Cán bộ CĐ  tổ chức, thiết kế hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của đoàn viên và người lao động. Ở đây, muốn nói đến góc độ lắng nghe và chia sẻ của cán bộ công đoàn với đoàn viên và người lao động. Cán bộ công đoàn phải gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại thường xuyên thì mới biết đoàn viên và người lao động đang cần gì ở Công đoàn và Công đoàn cần làm gì cho họ để đưa ra bài học trong quá trình chỉ đạo, xây dựng các phong trào, các mô hình và triển khai thực hiện. Đặc biệt, với cán bộ CĐCS, việc nêu gương hết sức quan trọng, bởi ở đó chúng ta tiếp cận với đoàn viên, NLĐ hàng ngày. CBCĐ là người gương mặt đại diện cho tổ chức ở cơ sở.. Do vậy, bên cạnh rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn, cán bộ CĐ cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức , phong cách hồ Chí Minh ở tinh thần nêu gương trong lao động, sản xuất, kinh doanh, trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày.

 

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, 50 năm Người đi xa, trong di sản đồ sộ của Người để lại cho hậu thế, CB CĐ Thừa Thiên Huế tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đó là:

Học tập và làm theo Bác ở tác phong quần chúng, chan hòa, yêu thương và trách nhiệm với đoàn viên của mình, để NLĐ thấy gần gũi với tổ chức CĐ VN, trong điều kiện có sự cạnh tranh với tổ chức đại diện khác của NLĐ thì đây là vấn đề quan trọng.

Học tập Bác tác phong làm việc cụ thể, từ việc “ bếp núc” đến đời sống hàng ngày của công nhân của CNLĐ, nhất là khi CĐ tỉnh TT Huế đang đẩy mạnh chương trình “ Một CĐCS, một phúc lợi đoàn viên”, phải tạo sự khác biệt giữa  đoàn viên CĐ và những người chưa phải là đoàn viên CĐ, để thấy sự quan tâm của tổ chức CĐ VN.

Học tập Bác kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu; đức tính giản dị và khiêm nhường trong đời sống, trong công việc…

Nguyễn Tâm Nhân - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---