Thứ tư, ngày 20 tháng 11 năm 2024

Công đoàn Ngành, cấp trên trực tiếp cơ sở

Cập nhật lúc : 10:11 16/07/2024

Đối thoại – Giải pháp tối ưu trong chăm lo đời sống cho người lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp

Đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan chức năng liên quan, người sử dụng lao động với người lao động hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Đối thoại tại nơi làm việc trong quan hệ lao động không chỉ bảo đảm sự dân chủ trong doanh nghiệp, nhất là người lao động được đóng góp ý kiến để xây dựng môi trường lao động ổn định, vì sự phát triển của đơn vị, dung hòa được quyền và lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, mà còn có tác dụng phòng ngừa các mâu thuẫn trong quan hệ lao động, hạn chế và loại trừ nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động làm ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp, gây thiệt hại về quyền, lợi ích cho cả hai bên. Muốn thực hiện được mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp thì phải có sự nỗ lực của các bên, trong đó đối thoại là việc làm quan trọng, là giải pháp tối ưu để thực hiện thành công mục tiêu trên.


Công đoàn Khu KT,CN tỉnh phối hợp với LĐLĐ Thị xã Hương Trà tổ chức Hội nghị đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan ban ngành với đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân năm 2024.

Đối thoại tại nơi làm việc tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát triển dân chủ cơ sở trong quan hệ lao động, góp phần vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển.

Hiện tại, Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có 42 doanh nghiệp (DN) có Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc đóng trên địa bàn 5 khu công nghiệp (KCN) và 1 Khu kinh tế là: KCN Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Phú Bài và Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô. Các DN sản xuất đa ngành nghề: May, lắp rắp đồ chơi trẻ em, gạch men, bao bì, sơn, ô tô, chất bán dẫn, du lịch, sinh dược phẩm, thiết bị âm thanh…. Trong đó: CĐCS doanh nghiệp FDI: 19 đơn vị; CĐCS doanh nghiệp cổ phần và TNHH có vốn đầu tư trong nước: 23 đơn vị.

Thời gian qua,  Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tình trạng xảy ra ngừng việc tập thể do tranh chấp lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bản chất của các cuộc tranh chấp lao động đó chủ yếu là tranh chấp về lợi ích của các bên trong quan hệ lao động (QHLĐ).

  Công đoàn Khu KT,CN tỉnh phối hợp với LĐLĐ huyện Phú Vang tổ chức Hội nghị đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan, ban ngành với đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân năm 2024.

Trong quá trình thực hiện QHLĐ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Giữa NSDLĐ - NLĐ không có tiếng nói chung về “điểm giới hạn lợi ích”.

Để phòng ngừa, nguy cơ xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay thì đối thoại là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất mà các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương, các cấp công đoàn, doanh nghiệp và người lao động cần phải thực hiện nghiêm túc, thực chất trên tinh thần trách nhiệm, hợp tác và cầu thị.

Với nhận thức đó, hằng năm, Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phối hợp với các Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, thị xã có Khu kinh tế, công nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa người lao động, doanh nghiệp với chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành liên quan kịp thời phát hiện những vướng mắc phát sinh để giải đáp nghiên cứu đề xuất, bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, DN. Chẳng hạn, trong Tháng công nhân vừa qua, Công đoàn Khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh phối hợp với LĐLĐ huyện Phú Vang, huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, Thị xã Hương Trà là những địa phương có Khu kinh tế, khu công nghiệp đóng trên địa bàn để tổ chức các buổi đối thoại. Mời lãnh đạo huyện, thị xã, Phòng Lao động việc làm – Sở LĐTB&XH; BHXH tỉnh tham gia đoàn chủ trì đối thoại; Các phòng LĐTB&XH; BHXH; Phòng Nội vụ, phòng GDĐT, Công an huyện, thị xã tham gia tổ tư vấn để trả lời tất cả những vấn đề mà CNLĐ yêu cầu.

Qua đối thoại, chính quyền địa phương và các Sở, Ban, Ngành, tổ chức công đoàn đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động. Đồng thời, đây là dịp để lãnh đạo các cấp lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của đoàn viên và người lao động. Buổi đối thoại còn là dịp để tuyên truyền các chế độ chính sách, quy định của pháp luật đến NLĐ.

Đoàn viên, người lao động đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại.

Những nội dung mà CNLĐ quan tâm nhiều nhất tại buổi đối thoại là các nội dung sát sườn với việc làm, đời sống hàng ngày như: tiền lương, trợ cấp, thời gian nghỉ ngơi, tiền thưởng, bữa ăn ca, chế độ thai sản, BHTN, các quy định về  rút BHXH 1 lần; Chế độ nghỉ phép, giao kết hợp đồng lao động. Đề xuất các vấn đề liên quan đến ATGT (tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, camara an ninh…); môi trường làm việc trong khu KT,CN. Yêu cầu cơ quan công an có giải pháp xử lý tệ nạn tín dụng đen, đòi nợ, tệ nạn lừa đảo trên mạng XH…làm ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ và lao động sản xuất kinh doanh của DN.

Xác định các chương trình đối thoại của Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh tổ chức mang tính bao quát, giải đáp các vấn đề chung, còn đối thoại tại doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt trong nâng cao phúc lợi cho NLĐ và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Từ đó, xây dựng được quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc. Bằng các kênh thông tin, Công đoàn đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ, tình hình quan hệ lao động từ đó có những giải pháp tối ưu trong việc hỗ trợ CĐCS, DN, CNLĐ xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc hài hòa, ổn định, tiến bộ, bền vững. DN xem công nhân là tài sản của DN, CNLĐ xem công ty là ngôi nhà thứ hai, cùng công ty phát triển. Chính vì vậy, Công đoàn khu KTCN rất chú trọng việc chỉ đạo hướng dẫn, tập huấn, đào tạo kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho NLĐ đề nghị người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất nếu cần.

Để hiệu quả đối thoại được như mong muốn, tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp để chọn ra các hình thức đối thoại linh hoạt phù hợp. Một số DN có quy mô nhỏ và vừa có thể tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Tổ chức CĐ, NLĐ và chủ DN. Các DN lớn, có đông CNLĐ và đơn hàng nhiều thì CĐ sẽ tổng hợp ý kiến của đoàn viên và NLĐ đề nghị DN tổ chức đối thoại hoặc gửi ý kiến của đoàn viên, NLĐ đến DN qua Zalo hoặc mạng nội bộ. Ngoài ra, xây dựng thùng thư để người lao động chủ động gửi các ý kiến vào đó rồi người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn có thể căn cứ vào đó để kịp thời đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng của NLĐ.

Các nội dung sau khi đối thoại được đưa vào TƯLĐTT có nhiều điều có lợi hơn so với Luật quy định, NLĐ được thụ hưởng nhiều phúc lợi hơn, như: suất ăn ca được tăng lên trên 20.000 đồng/suất ăn tại công ty Mikado, có một số doanh nghiệp mức tiền ăn 20.000 đồng: công ty Hào Hưng, Blao sport, Sơn Hà Huế, Scavi Quảng Điền, Jonwell, Scavi Huế…Trên 22.000 đồng/suất ăn như ở công ty Hanet, Laguna, Tahee, MSV…. Điều kiện làm việc được cải thiện: tăng cường quạt, thông gió, thiết bị máy móc cũ được thay thế hiện đại hơn, nhà ăn thoáng mát hơn…các chế độ xăng xe, gửi trẻ, lương, thưởng cao hơn…). Tiền lương được áp dụng cao hơn 7-10% so với mức lương tối thiểu vùng… Cũng thông qua đối thoại, các đơn vị như Công ty HBI đã có trang bị thêm 2 phòng vắt trữ sữa, có thêm nhà để xe riêng cho nữ công nhân có thai, nuôi con nhỏ, có phòng vật lý trị liệu cho công nhân được chữa bệnh nghề nghiệp (xương khớp); Các ông ty TNHH Sơn Hà, Scavi Quảng Điền, Scavi Huế, Vinh Phát, Tài Phát, MSV, Hanet, CP... có bổ sung vitamin C, nước mát vào mùa hè, bổ sung suất ăn giữa ca cho bà mẹ đang mang thai, tăng cường hệ thống làm mát ở nhà ăn, nhà xưởng…Công ty CP Tài Phát thay đổi lịch làm việc vào mùa nắng nóng cho công nhân...

Sau khi đối thoại, thương lượng, DN ra thông báo và thực hiện; CĐCS đề nghị DN đưa các nội dung điều khoản thương lượng thành công vào bản TƯLĐTT để NLĐ được hưởng các chế độ đó.

Ngoài ra, tại hội nghị người lao động hằng năm, DN cũng đã lắng nghe ý kiến của NLĐ từ đó giải quyết được toàn diện hoặc giải quyết dần theo lộ trình. Tỷ lệ Doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động là 38/42 đơn vị, chiếm gần 90,5%.

Phải nói rằng, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thời gian gần đây tương đối ổn định. Kết quả đó có được phần lớn nhờ vào công tác đối thoại tại nơi làm việc được các đơn vị chú trọng thực hiện. Thông qua đối thoại, người lao động được đóng góp ý kiến để xây dựng môi trường lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ, giúp DN ngày càng phát triển và thông qua đối thoại để DN hiểu “NLĐ cần gì và mong muốn gì”, từ đó nâng cao hơn nữa phúc lợi cho NLĐ. Đến nay, các DN có tổ chức công đoàn đã đi vào hoạt động ổn định đều đã ký TƯLĐTT, trong đó có nhiều điều khoản có lợi hơn so với luật định và hằng năm, kết quả đối thoại, thương lượng, đàm phán đều được bổ sung phụ lục vào bản TƯLĐTT.

Có thể nói thời gian qua, công đoàn khu kinh tế công nghiệp và các công đoàn cơ sở đã rất nỗ lực chủ động trong việc phối hợp thực hiện và hướng dẫn tổ chức các cuộc đối thoại. Song vẫn còn những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, để đối thoại hiệu quả, tổ chức công đoàn phải phối hợp với nhiều Sở, ban, ngành liên quan tham gia chủ trì, tổ tư vấn tại buổi đối thoại và để NLĐ có điều kiện tham gia đông đủ thì phải tổ chức vào ngày nghỉ nên việc tổ chức không phải dễ dàng. Mặt khác, nhiều đoàn viên, người lao động chưa mạnh dạn trong việc đề xuất các ý kiến liên quan đến quyền lợi bản thân nên công tác tổng hợp ý kiến tại buổi đổi thoại có lúc chưa thật sự đầy đủ. Về phía công đoàn cơ sở, các đồng chí cán bộ CĐCS 100% kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của NLĐ dẫn đến chất lượng của 1 số buổi đối thoại chưa cao, chưa đáp ứng được mong muốn của đoàn viên và NLĐ.

Để chương trình đối thoại ngày càng đi vào thực chất, thiết nghĩ, về phía CĐCS, các cán bộ CĐCS phải tự rèn luyện, bổ sung kiến thức, kỹ năng, nâng cao bản lĩnh đại diện cho ĐV, NLĐ trong tham gia đối thoại cùng DN; thường xuyên gần gũi với đoàn viên, NLĐ để chủ động hơn trong việc cùng với DN lắng nghe “lời công nhân nói và hiểu công nhân cần gì”. Đặc biệt quan tâm đối thoại đột xuất và những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập phúc lợi của NLĐ; Cán bộ công đoàn cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động và phải chủ động phối hợp với DN tổ chức các cuộc đối thoại.Từ đó đưa được các điều khoản có lợi vào bản TƯLĐTT so với luật định để NLĐ được hưởng nhiều phúc lợi hơn.

Về phía NSDLĐ, cùng với CĐCS tổ chức nhiều buổi đối thoại, thường xuyên lắng nghe công nhân nói để hiểu và bổ sung vào TƯLĐTT, từ đó ngày càng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ. Có như thế quan hệ lao động tại DN ngày càng được khăng khít. NLĐ gắn bó chia sẻ khó khăn cùng DN, DN thì tăng năng suất lao động, tăng doanh thu và giữ được nguồn nhân lực.

Về phía CĐ Khu KT,CN, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hướng dẫn các CĐCS trực thuộc quy trình về thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT; Chú trọng tổ chức tập huấn về kỹ năng thương lượng đối thoại cho cán bộ CĐCS; Tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa CNLĐ với chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành liên quan. 

Việc đối thoại tại nơi làm việc sẽ thúc đẩy cho quá trình dân chủ hóa doanh nghiệp nhanh chóng và ổn định hơn. CĐCS có vai trò hết sức quan trọng trong việc đại diện cho tập thể NLĐ để đối thoại với NSDLĐ.Thực tiễn cho thấy, DN nào chú trọng đối thoại một cách nghiêm túc, cầu thị thì giữa NLĐ và NSDLĐ xây dựng được mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, đời sống NLĐ được nâng cao và DN đó ngày càng phát triển.

Đối thoại tại nơi làm việc có tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của DN, NLĐ từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với DN. Đây còn là giải pháp tốt nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động. 

Thu Nam

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---