Công đoàn Ngành, cấp trên trực tiếp cơ sở
Công tác phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp có đông công nhân lao động
Công đoàn Khu KTCN tỉnh đẩy mạnh phát triển đoàn viên ở khu vực phi chính thức.
Trong chương trình thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TLĐ ngày 27/8/2024 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đã nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng tổ chức công đoàn và đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) Thừa Thiên Huế hiện đại, lớn mạnh thực sự là của người lao động (NLĐ) và vì NLĐ; trở thành trung tâm; đại diện duy nhất tập hợp NLĐ trên địa bàn tỉnh….”
Trước tình hình đó, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế xác định phát triển đoàn viên là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Công đoàn khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh và Ban chấp hành CĐCS doanh nghiệp trực thuộc, chú trọng ở các doanh nghiệp có đông CNLĐ chưa được gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm tập hợp đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) vào tổ chức công đoàn để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Làm tốt công tác phát triển đoàn viên là một trong những yếu tố then chốt xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, công tác phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn được Công đoàn khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh chú trọng thực hiện, vượt chỉ tiêu Liên đoàn Lao động tỉnh giao hằng năm. Công đoàn trong doanh nghiệp cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đã từng bước khẳng định được vai trò của mình đối với người lao động và người sử dụng lao động. Có nhiều CĐCS của doanh nghiệp FDI đạt tỷ lệ 98 - 100% đoàn viên/tổng số lao động như CĐCS Công ty TNHH MSV, Công ty TNHH MTV Hanex Huế, Công ty Hanesbrans Việt Nam Huế, Công ty CP Chăn nuôi C.P Huế, Công ty Joinwell Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hộ Kalongda Việt Nam…
Thành lập CĐCS doanh nghiệp.
Đạt được kết quả đó, đồng chí Lê Quý Hoàng – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH MSV cho biết. “ Để làm tốt công tác phát triển đoàn viên chúng tôi luôn duy trì và thực hiện các giải pháp đảm bảo người lao động thấy rõ được lợi ích khi tham gia vào công đoàn như: Chú trọng công tác tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT và các văn bản Quy phạm pháp luật khác làm cho người lao động hiểu rõ về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia vào tổ chức công đoàn; từ đó chủ động, tự giác gia nhập vào tổ chức công đoàn. Hơn nữa, chúng tôi chú trọng việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Phát động các phong trào, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ nhân các sự kiện của công ty, các ngày lễ lớn của đất nước. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, tập hợp người lao động, tạo không khí gần gũi, cởi mở để người lao động an tâm phấn khởi, tin tưởng vào tổ chức công đoàn và gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp”.
Đồng chí Đặng Thị Thanh An – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH MTV Hanex Huế chia sẻ thêm: “Để xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, trong đó có 100% tổng số lao động tham gia vào công đoàn là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ và tâm huyết, trách nhiệm đối với người làm công tác công đoàn; chúng tôi chứng minh thông qua những hành động thiết thực để người lao động thấy được những lợi ích mà công đoàn mang lại cho họ”.
Bên cạnh những doanh nghiệp đạt được kết quả trên, thì thực trạng hiện nay, vẫn còn số lượng lớn công nhân lao động (CNLĐ) chưa được kết nạp công đoàn trong các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn. Nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn tuy đã có nhiều đổi mới nhưng còn có lúc, có nơi chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu của đoàn viên và người lao động. Vai trò của công đoàn cơ sở (CĐCS) chưa được nâng cao, NLĐ chưa thực sự tin tưởng vào tổ chức công đoàn nên còn e dè chưa nhiệt tình tự nguyện tham gia. Hơn nữa, tỉ lệ đoàn viên/tổng số NLĐ chưa cao thì tính đại diện của tổ chức công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên tại doanh nghiệp chưa thực sự ý nghĩa.
Khi nói về tầm quan trọng của công tác vận động NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, đồng chí Hoàng Quốc Phong, chủ tịch CĐCS Công ty Kimlong motor chia sẻ: “Người làm công tác công đoàn phải là người nhiệt tình, có năng lực, am hiểu rộng, có kỹ năng và phương pháp thương lượng, đối thoại cùng doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể mang lại nhiều phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ; Biết xây dựng, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân; Tổ chức tuyên truyền để NLĐ hiểu được những quyền lợi mà tổ chức công đoàn mang lại”.
Từ thực tiễn đó, để xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng được lớn mạnh, khẳng định hơn nữa vai trò vị trí của Công đoàn trong việc chăm lo và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của đoàn viên và NLĐ, công đoàn CĐ Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, nhất là trong các doanh nghiệp có dư lượng CNLĐ chưa tham gia vào tổ chức Công đoàn như:
Tăng cường sự phối hợp với công đoàn cấp trên, các cơ quan, ban, ngành liên quan
+ Tranh thủ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ, Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên và các ban chuyên đề của LĐLĐ tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ CĐ tại CĐ khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh;
+ Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh và các phòng, ban chuyên môn của Sở LĐTB&XH thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, qua đó đề nghị DN tạo điều kiện phối hợp với CĐCS vận động NLĐ tham gia Công đoàn.
+ Tăng cường và chủ động công tác phối hợp kiểm tra, giám sát liên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn và việc thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp.
Tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn, tăng tỉ lệ đoàn viên trong các CĐCS doanh nghiệp có đông CNLĐ.
+ Tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động, tiếp cận với NLĐ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, linh hoạt như lồng ghép với các chương trình tuyên truyền Văn hóa cơ sở, Phòng chống tệ nạn xã hội, DSKHHGĐ, Sinh hoạt câu lạc bộ…tặng quà, gặp gỡ trao đổi tại quán cà phê, nơi làm việc, ngoài doanh nghiệp, trên các trang mạng xã hội… để thường xuyên, liên tục tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, để NLĐ thấy được quyền và lợi ích của mình khi tham gia tổ chức công đoàn, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp, ý thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, của bản thân người lao động, tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn.
+ Phát phiếu khảo sát thăm dò nguyện vọng của NLĐ để đánh giá hiệu quả các buổi tuyên truyền và nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của NLĐ, sau đó cung cấp đơn để NLĐ tự nguyện viết đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam.
+ Phát huy vai trò của đoàn viên công đoàn trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của doanh nghiệp, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, lan tỏa kích thích, động viên đến NLĐ hiểu được quyền lợi của đoàn viên công đoàn và tự nguyện tham gia.
+ Đối với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Tuyên truyền để chủ doanh nghiệp hiểu rõ về công đoàn Việt Nam, sự cần thiết phải phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS nhằm mục đích cùng với doanh nghiệp chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLĐ; xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp, tạo động lực thu hút người lao động gia nhập tổ chức công đoàn.
+ Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở trong tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở.
+ Tập trung hướng dẫn kỹ năng, phương pháp hoạt động cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS ở các doanh nghiệp mới tham gia lần đầu. Phân công cán bộ về doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn nội dung và phương pháp hoạt động cho cán bộ CĐCS, giúp công đoàn cơ sở hoạt động, đặc biệt quan tâm kiện toàn, củng cố kiện toàn BCH CĐCS.
+ Hướng dẫn và chỉ đạo BCH CĐCS tích cực chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và người lao động từ đó người lao động thấy được vai trò của tổ chức công đoàn và tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn làm công tác phát triển đoàn viên
+ Phân công cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách từng địa bàn để thực hiện trách nhiệm phát triển đoàn viên, đặc biệt đối với các CĐCS doanh nghiệp có tỉ lệ đoàn viên thấp. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn; các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn cho cán bộ CĐCS, chú trọng các đồng chí UV BCH CĐCS trong các doanh nghiệp đông CNLĐ.
+ Chọn “Tháng Công nhân”, Tháng Kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tháng đầu quý 4 là Tháng cao điểm tập trung công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; hàng tháng, chủ động tổ chức các hoạt động hướng về CĐCS khu vực doanh nghiệp như: tuyên truyền kết nạp đoàn viên; hướng dẫn, giúp đỡ CĐCS doanh nghiệp hoạt động.
+ Tổ chức các buổi Hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đoàn viên, tạo điều kiện để các CĐCS giao lưu, chia sẻ, học tập lẫn nhau cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, từ đó nâng cao tỉ lệ phát triển đoàn viên trong toàn hệ thống Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết và khen thưởng đối với các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn có thành tích trong phát triển đoàn viên và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
+ Tổ chức sơ kết, đánh giá, đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện cho năm sau. Thông qua sơ kết, để rút ra kinh nghiệm, khắc phục tồn tại, nhân rộng điển hình, những cách làm hay tạo chuyển biến tích cực.
+ Biểu dương khen thưởng, động viên, kịp thời cho những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Từ các giải pháp trên, Năm 2024, tỷ lệ đoàn viên đạt được tăng lên đáng kể:
- Phát triển mới: 4.545 đoàn viên;
- Phát triển tăng thêm đoàn viên: 3272/1.500 đoàn viên đạt so với chỉ tiêu giao 218%;
- Thành lập mới: 04/02 công đoàn cơ sở (đạt 200%);
Số lượng đoàn viên trong các CĐCS doanh nghiệp đông CNLĐ có tỷ lệ đoàn viên thấp được nâng lên nhiều so với năm trước.
Như vậy, “Đổi mới phương pháp vận động nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp có đông CNLĐ” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung, công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp nói riêng.
Luôn quan tâm sâu sát đến chất lượng bữa ăn ca của đoàn viên, người lao động.
Mặc dù dư lượng NLĐ chưa tham gia Công đoàn vẫn còn nhưng với sự tích cực thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh đã gặt hái được những thành quả nhất định trong công tác phát triển đoàn viên vượt mức chỉ tiêu do công đoàn cấp trên giao. Từng bước khẳng định công đoàn trong doanh nghiệp thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, đại diện cho NLĐ cùng với doanh nghiệp đảm bảo đời sống, việc làm và xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định tiến bộ tại doanh nghiệp. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đoàn viên công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về tầm quan trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác phát triển đoàn viên, từ đó xây dựng CĐCS vững mạnh, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Thu Nam
Chưa có bình luận nào cho bài viết này