Công đoàn Ngành, cấp trên trực tiếp cơ sở
Bài toán về hiệu quả trong sản xuất giống lan Đại Hồ Điệp của nữ kỹ sư lâm nghiệp người Huế được biểu dương trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”
Chị Lê Thị Thúy Nga bên vườn ươm giống cây lâm nghiệp (ảnh: NVCC)
Nữ kỹ sư với nhiều đam mê nghiên cứu khoa học
Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Với thâm niên hơn 20 năm công tác tại doanh nghiệp, chị Lê Thị Thúy Nga, một kỹ sư lâm nghiệp sinh học đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống theo phương pháp cải tiến, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới trong nuôi cấy mô, biên soạn tài liệu chuyển giao công nghệ cho nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Bằng kiến thức, trách nhiệm và tâm huyết của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị Nga luôn trăn trở với những sáng kiến nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng các giống cây trồng như Bưởi Thanh Trà, Quýt Hương Cần, Tràm Gió, Ba Kích Tím, Sen Huế, Chuối Thanh Tiên…
Từ năm 2015 đến nay, chị đã đạt được nhiều bằng khen và giải thưởng cấp tỉnh như giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII năm 2015 về giải pháp: “Ứng dụng phương pháp nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trong sản xuất Keo lai (Acacia hybrid)”, giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2019 với đề tài: “Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô loài Tràm Gió bản địa có tinh dầu cao nhằm bảo tồn và cung cấp cây giống tràm gió có chất lượng cho vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm tại Thừa Thiên Huế”, năm 2020 đạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X với đề tài“ Một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng và giảm chi phí trong trồng, chăm sóc lan Kiếm xanh Huế tại vườn ươm Thiên An”…
Chị Nga chia sẻ: “Có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn được tạo điều kiện từ lãnh đạo Công ty cũng như sự quan tâm, động viên, hỗ trợ từ Công đoàn cơ sở”.
Sáng kiến trong sản xuất giống lan Đại Hồ Điệp
Trong quy trình nhân giống cây lan Đại Hồ điệp, ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất trong quá trình sản xuất cây giống nuôi cấy mô. Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty TNHH NN MTV Lâm Nghiệp Tiền Phong vẫn sử dụng hệ thống đèn Compact như là nguồn chiếu sáng nhân tạo để thúc đẩy quá trình ra hoa đúng vào dịp trước Tết nhằm phục vụ nhu cầu mua lan Đại Hồ Điệp của thị trường nội địa.
Vườn lan Đại Hồ Điệp được gieo trồng, áp dụng hệ thống chiếu sáng từ sáng kiến của chị Lê Thị Thúy Nga. (Ảnh: NVCC)
“Dưới điều kiện nuôi cấy đèn Compact thì các chỉ tiêu số lượng chồi, tỉ lệ thủy tinh thể, tỉ lệ sống không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cây giống cũng như năng suất. Đặc biệt dưới ánh sáng đèn Compact, lan Hồ điệp có hệ số nhân chồi chỉ 1,5 lần, trong khi đó tỉ lệ thủy tinh thể lại khá cao trên 50%. Những mẫu bị thủy tinh thể được loại bỏ, chỉ sử dụng những mẫu đạt chất lượng để nhân chồi tiếp tục hoặc ra rễ. Chính vì vậy, hiệu quả của việc sử dụng đèn Compact trong nhân giống cây lan Hồ Điệp không đạt được mục tiêu trong giảm chi phí lao động, nhân nhanh được số lượng chồi trong thời gian ngắn nhất”, chị Nga giải thích.
Tính mới và tính sáng tạo trong nghiên cứu này chính là đây là lần đầu tiên đèn Led được sử dụng kết hợp với ánh sáng tự nhiên trong sản xuất nuôi cấy mô lan Đại hồ điệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, sáng kiến của chị đã đưa ra được phương pháp bố trí, sắp xếp, kết hợp với xây dựng hệ thống phòng nuôi có kết cấu phù hợp đảm bảo kết hợp ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo trong sản xuất mẫu lan Đại Hồ Điệp, tạo tiền đề ứng dụng đèn Led sản xuất các loại cây khác trong tương lai.
Sáng kiến bắt đầu được áp dụng từ cuối năm 2020 đến nay được doanh nghiệp đánh giá cao không chỉ về hiệu quả kinh tế và kỹ thuật mà còn đem lại hiệu quả về mặt xã hội và môi trường khi giá thành sản phẩm được giảm hướng tới cung cấp giống lan Đại Hồ Điệp chất lượng cao cho thị trường cả nước, giảm phụ thuộc vào thị trường giống nhập ngoại, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trên thế giới như hiện nay. Bên cạnh đó, việc sử dụng tiết kiệm năng lượng điện trong sản xuất còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Ông Trần Quang Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: “Ứng dụng công nghệ đèn Led nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí trong sản xuất giống lan Đại Hồ Điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô” được Liên đoàn Lao động tỉnh xét chọn trong số 24 đề tài, sáng kiến từ các cấp Công đoàn trực thuộc vì tính ứng dụng cao và hiệu quả được thể hiện trên nhiều phương diện của đề tài. Đây là sáng kiến tiêu biểu, xứng đáng được biểu dương, khen thưởng trong những sáng kiến tham gia Chương trình” 75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Việc áp dụng thành công sáng kiến vào thực tiễn đã góp phần giải được bài toán về tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương nói riêng cũng như nhân rộng mô hình cho các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng trên cả nước nói chung./.
NHÃ PHƯƠNG
Chưa có bình luận nào cho bài viết này