Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Giới thiệu

Cập nhật lúc : 16:50 01/06/2018

Sự hình thành và phong trào CNVC-LĐ tỉnh thừa thiên huế
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất do thực dân Pháp tiến hành từ năm 1897 đến năm 1914 ở Việt Nam đã bóc lột thậm tệ sức người, sức của người lao động. Sự bóc lột, áp bức của tư bản ngày càng nặng nề, đè nặng lên cuộc sống của người lao động. Đồng lương không đủ sống, thời gian làm việc trên 12 tiếng mỗi ngày với chế độ lao động khắc nghiệt đã dẫn đến mâu thuẫn giữa công nhân và giới chủ ngày càng sâu sắc. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, giai cấp công nhân Thừa Thiên Huế nói riêng.


    Phong trào CN-LĐ tỉnh Thừa Thiên Huế những năm đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng bộ ra đời đã có nhiều hoạt động tích cực. Cuối năm 1928, tổ chức Công hội đỏ được thành lập ở một số nhà máy, xí nghiệp ở Thừa Thiên Huế như: Nhà in Tiếng Dân, xí nghiệp vôi Long Thọ, trường Kỹ nghệ thực hành, Nhà máy Đèn…Tổ chức Công hội đỏ đã lãnh đạo công nhân đấu tranh bảo vệ lợi ích của thợ, đòi giới chủ không được cúp lương, trả lương đúng kỳ hạn, đòi những quyền lợi thiết thực khác. Kết quả là đã tạo được niềm tin trong giai cấp công nhân, tập hợp họ trong đội ngũ, khẳng định sức mạnh của giai cấp công nhân khi có tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo.

    Ngày 03-02-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 4-1930, Hội nghị hợp nhất tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên Huế diễn ra. Từ đây trở đi, phong trào đấu tranh của công nhân lao động đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thừa Thiên Huế.

    Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thi hành hàng loạt các chính sách cực kỳ phản động. Chúng ra lệnh giải tán các tổ chức Nghiệp đoàn và Hội ái Hữu  ở Huế, ráo riết truy lùng, bắt bớ cán bộ cách mạng, đồng thời vơ vét, sức người, sức của để phục vụ chiến tranh. Để thu hút đông đảo quần chúng, đầu năm 1942, Hội “ Công nhân phản đế” đổi tên thành “Hội Công nhân cứu quốc”.

    Cùng với nhân dân trong tỉnh, ngày 23/8/1945, giai cấp công nhân Thừa Thiên Huế đã tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi Cách mạng tháng Tám  năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà- chính quyền dân chủ nhân dân.

    Sau Cách mạng tháng Tám -1945, cùng với nhân dân toàn tỉnh, lực lượng CN-LĐ phấn khởi tham gia xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Tháng 10 năm 1945, tại Nhà in Đắc Lập, Đại hội Công nhân cứu quốc tỉnh lần thứ nhất được tổ chức. Tham gia Đại hội có công nhân Nhà máy Đèn, xưởng vôi Long Thọ, nhà máy nước, Sở Lục lộ, Ga Huế, trường Kỹ nghệ và đại biểu các Hội ái Hữu, nghiệp đoàn, thợ thủ công, lao động. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Công nhân cứu quốc, do đồng chí Trần Tấn làm Bí thư. Sau Đại hội, giai cấp công nhân Thừa Thiên Huế khẩn trương hoạt động trong hào khí mới của cuộc cách mạng tháng Tám .

    Ngày 20/6/1946, Hội nghị Công nhân cứu quốc toàn quốc tại Hà Nội quyết định đổi Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn Việt Nam và thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại Thừa Thiên Huế, tổ chức Hội Công nhân cứu quốc đổi tên thành Liên đoàn Lao động tỉnh, tập hợp rộng rãi  các lực lượng lao động đoàn kết vì mục tiêu chung. 

    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, CĐ Thừa Thiên Huế đã phát triển được tổ chức ở nhiều nhà máy, xí nghiệp giữa thị xã Thuận Hoá(thành phố Huế), tổ chức nhiều phong trào phục vụ cho kháng chiến như : tổ chức vận chuyển hàng trăm tấn máy móc,thiết bị, nguyên vật liệu từ thành phố lên chiến khu để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí, đạn dược; tổ chức các đội tự vệ công nhân, phối hợp với các đội tự vệ vũ trang tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, góp phần bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám và góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam ( 7/5/1954)
Tóm lại, tổ chức CĐ TT Huế trong kháng chiến chống Pháp đã phát triển với một hệ thống hoàn chỉnh, trở thành một tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Những hoạt động ấy đặt nền móng cho các hoạt động của Công đoàn Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tiếp theo của cuộc trường chinh chống Mỹ 21 năm. 

    Tổ chức CĐ TT Huế đồng hành và phát triển  cùng sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đội ngũ công nhân lao động TT Huế trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước phát triển về số lượng với  lực lượng công nhân công nghiệp và lao động thành thị, công nhân đồn điền ở Nam Đông- Khe Tre, Vũng Vàng- Khe Sến, Hoà Mỹ lên đến hơn 5.000 người. Lực lượng lao động trí óc ở Huế phát triển nhanh ở ngành Giáo dục, Y tế, Bưu điện, Canh nông lên đến hàng ngàn người. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ  Thừa Thiên Huế về công tác Công vận, các cơ sở của Hội Lao động giải phóng ở thành phố Huế được thành lập trong năm 1963. 

    Năm 1967, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, các  cơ sở Công đoàn giải phóng đã được thành lập trong các xí nghiệp điện, nước, công chánh, Ga Huế, lái xe lam, xích lô… Công đoàn lãnh đạo công khai phong trào CNVC-LĐ. Từ năm 1965 trở đi, hoạt động của tổ chức CĐ Tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển thành phong trào chính trị rộng lớn, kêu gọi công nhân lao động phát huy truyền thống giai cấp, huy động lực lượng công nhân lao động tham gia đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận giữa lòng thành phố Huế; tham gia đấu tranh chống Chiến tranh Cục bộ của Mỹ, tham gia tích cực cuộc Tổng tấn công nổi dậy Xuân 68; tham gia đấu tranh đòi thực hiện hiệp định Pari năm 1972 và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    Sau ngày giải phóng, Liên hiệp CĐ giải phóng các cấp trong tỉnh TT Huế lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động. Liên hiệp CĐ giải phóng TT Huế đã phát động các phong trào cách mạng sôi nổi trong CNVC-LĐ, thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, xây dựng quê hương TT Huế sau chiến tranh. Công tác chăm lo đời sống CNVC-LĐ trong thời gian này chủ yếu là vận động đẩy mạnh tiết kiệm  trong sản xuất, tích cực tăng gia trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện đúng các chế độ chính sách nhà nước ban hành. Về tinh thần, Liên hiệp CĐ giải phóng tỉnh TT Huế đã động viên CNVC-LĐ đi học các lớp bổ túc văn hoá và tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục, thể thao .

    Đất nước đổi mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn  Thừa Thiên  Huế đề ra mục tiêu “Vì việc làm, dân chủ, đời sống và công bằng xã hội”, tiếp tục vận động CNVC-LĐ  vượt qua khó khăn, nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn đổi mới để đưa phong trào CNVC và hoạt động CĐ hoạt động hiệu quả hơn.

    Thời cơ và thách thức đến với giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Thừa Thiên Huế khi đất nước hội nhập thế giới. Xu thế toàn cầu hoá đem lại những thuận lợi nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với tổ chức CĐ, do đó, CĐ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định: “Đổi mới, sáng tạo hoạt động CĐ; vì quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, quê hương TT Huế” và đặt ra các nhiệm vụ: Nâng cao vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ, đẩy mạnh các hoạt động xã hội của CĐ; Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực đội ngũ CNVC-LĐ, đáp ứng  yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH, tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh; Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh; Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh”

    Phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà n¬ước, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn TT Huế  bước vào thời kỳ mới với quyết tâm mới. Đồng thời phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ toàn tỉnh nêu cao ý chí tự lực tự cường, năng động sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết một lòng biến Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn tỉnh thành hiện thực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh TT Huế.

    Từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Thừa Thiên Huế đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội  đều xác định nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể, mục tiêu, chỉ tiêu nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất  nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, những thành tích đóng góp của CNVC-LĐ và tổ chức Công đoàn Thừa Thiên Huế trong lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì ( 4/12/1995); Huân chương Lao động hạng Nhất ( 22/7/ 1999), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2003) và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ( năm 2008)  

    Thực tiễn phong phú, sáng tạo của phong trào CNVC -LĐ và hoạt động CĐ tỉnh Thừa Thiên Huế  80 năm qua sẽ là những bài học quý giá, là hành trang để giai cấp công nhân và tổ chức CĐ  vững tin bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20, kỳ họp lần thứ 6, BCH TW Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.

Tư vấn pháp luật

Đoàn viên hỏi: Khi nào (theo tuần, tháng, quý, năm) thì người sử dụng ... 

Trả lời:

Công đoàn trả lời: Bộ Luật Lao động năm 2019 không quy định về thời điểm hoặc ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---