Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024

ĐV, NLĐ với tổ chức CĐ

Cập nhật lúc : 00:00 19/05/2023

CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG GÓP PHẦN ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, từng bước đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đến với đông đảo đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao và khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hoạt động truyền thông được cán bộ LĐLĐ tỉnh thực hiện tại cơ sở.

Thực tiễn mới đặt ra những khó khăn, thách thức đòi hỏi công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã triển khai tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho cán bộ công đoàn, nhằm đổi mới tư duy và cách thức thực hiện công tác truyền thông, từ truyền thống sang hiện đại là chủ yếu và xác định truyền thông công đoàn là trách nhiệm của mỗi cán bộ công đoàn, mỗi cấp công đoàn. Qua 3 năm triển khai Chương trình, có 350 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các ban chuyên môn được tập huấn nghiệp vụ; hơn 2.000 cán bộ CĐCS thuộc LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố được tập huấn nghiệp vụ tuyên giáo công đoàn nhằm thống nhất về nhận thức, quan điểm công tác truyền thông công đoàn, nâng cao hiệu quả của thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Hiện nay, các loại hình, phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội… phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, ĐV, NLĐ được tiếp cận thông tin rất phong phú, đa dạng thông qua nhiều hình thức, phương thức khác nhau. LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn thành lập các trang facebook, fanpage, zalo nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, đưa thông tin và định hướng thông tin về cơ sở. Đến nay, có hơn 970 trang facebook, fanpage (đạt tỷ lệ 75,1%). Các đơn vị đạt từ 90% đến 100% CĐCS có facebook, fanpage của CĐCS là LĐLĐ thành phố Huế; Công đoàn ngành Giáo dục, LĐLĐ huyện Phú Lộc, LĐLĐ huyện A Lưới, LĐLĐ huyện Phong Điền. LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ thị xã Hương Trà, Phú Lộc, Công đoàn ngành Giáo dục đã tổ chức thi ảnh “Nét đẹp Đoàn viên, CNLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế” trên mạng xã hội; LĐLĐ thành phố Huế thi sáng tạo các video clip phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội để tăng cường công tác truyền thông, thu hút sự tham gia của số đông cán bộ, ĐV, NLĐ và quảng bá hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặc biệt, thông qua mạng xã hội, các cấp CĐ trong tỉnh đã bảo đảm thông tin về cơ sở thông suốt, nhất là các chủ trương, chính sách trong công tác phòng chống dịch bệnh và chế độ chính sách cho ĐV, NLĐ.

LĐLĐ tỉnh đã đổi mới công tác truyền thông bằng các sự kiện truyền thông và đã có sự hưởng ứng của 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 80% CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh. Hoạt động chương trình “Tết sum vầy”, “Ngày hội công nhân- Phiên chợ nghĩa tình”, “Tháng công nhân” với chuỗi hoạt động: bán hàng giảm giá từ 10-50%, gian hàng không đồng; truyền thông pháp luật lao động và công đoàn; hội thao ĐV, NLĐ; các trò chơi dân gian của địa phương; văn nghệ CNLĐ; Hội thi Kể chuyện sách cho con CNLĐ; Khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho CNLĐ. Tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhiều đơn vị đã đổi mới công tác truyền thông bằng các hoạt động “Ngày hội đoàn viên, người lao động”, điển hình là Công đoàn ngành Giáo dục, LĐLĐ huyện Phú Lộc LĐLĐ thị xã Hương Trà, LĐLĐ huyện Quảng Điền, LĐLĐ huyện Phong Điền, LĐLĐ huyện Nam Đông, Công đoàn Viên chức tỉnh….

Tại các CĐCS doanh nghiệp, Công đoàn Khu Kinh tế công nghiệp, LĐLĐ thành phố Huế đã triển khai các kênh truyền thông trực tiếp (hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, biển báo ngoài trời…; những người có uy tín chuyên môn của các sở, ban, ngành) để truyền thông phù hợp với điều kiện làm việc của CNLĐ. Hàng năm. Chỉ tiêu “tổ chức ít nhất 02 hoạt động truyền thông trực tiếp cho ĐV, NLĐ của đơn vị” được thực hiện tốt tại Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh.

Phát tờ rơi là một trong những hình thức truyền thông phù hợp với người lao động tại doanh nghiệp.

Phương pháp truyền thông còn được đa dạng hóa với hoạt động của Phòng Truyền thống Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là địa điểm giáo dục truyền thống về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Thừa Thiên Huế. Việc xây dựng các sản phẩm truyền thông (tài liệu, thông điệp truyền thông, hướng dẫn nghiệp vụ, các tác phẩm mỹ thuật, tranh, ảnh về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn) bằng nhiều hình thức (ảnh, video, thiết kế đồ họa....) phục vụ công tác truyền thông trong toàn hệ thống công đoàn được triển khai. LĐLĐ tỉnh tổ chức các triển lãm ảnh nghệ thuật- thời sự về hoạt động Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế; cuộc thi báo tường, cuộc thi viết với chủ đề “Công đoàn trong tôi”....thu hút hàng ngàn bài viết tham gia đã làm nổi bật hoạt động của công đoàn tại cơ sở. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp sản xuất các chương trình văn hóa, giải trí; các hội thi: “Tiếng hát công nhân”, sáng tạo “Bài tập thể dục tại nơi làm việc”, thi dân vũ bằng hình thức trực tuyến trên mạng xã hội, điển hình là LĐLĐ thị xã Hương Trà, LĐLĐ Phong Điền, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh...

Bên cạnh đổi mới phương pháp truyền thông, LĐLĐ đã đổi mới nội dung truyền thông. Không chỉ duy trì tuyên truyền các nội dung khô cứng về pháp luật lao động và công đoàn, tình hình kinh tế xã hội, nghị quyết cấp ủy Đảng các cấp và chủ trương của tổ chức Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở rộng và “mềm hóa” nội dung truyền thông, phản ánh những chuyển biến tích cực về đời sống, việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động. Phản ánh chuẩn xác các vấn đề người lao động quan tâm; tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động; đồng thời chú trọng truyền thông về các hoạt động chăm lo thiết thực, cụ thể của công đoàn đối với ĐV, NLĐ như: Chương trình Mái ấm Công đoàn, Điều ước đoàn viên, Cùng em đến trường, Địa chỉ Xanh....

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn, các ban chuyên môn đổi mới công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin báo chí, nhằm định hướng thông tin dư luận. LĐLĐ tỉnh phối hợp với Báo Lao động, tạp chí Lao động và Công đoàn, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh để tổ chức thông tin tuyên truyền. 3 năm qua đã thực hiện 36 chuyên mục Công đoàn trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; 15 trang Công đoàn Thừa Thiên Huế trên tạp chí Lao động và Công đoàn; hơn 120 tin, bài trên Báo Lao động, tạp chí và Báo Thừa Thiên Huế. LĐLĐ tỉnh căn cứ chương trình phối hợp hàng năm với Báo, tạp chí, phân bổ chỉ tiêu gửi tin, bài, ảnh cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các ban chuyên môn, nhằm phản ánh toàn diện các hoạt động tại cơ sở.

LĐLĐ tỉnh đã tiếp tục duy trì kênh truyền thông trực tiếp, điển hình là các CĐCS thuộc thành phố Huế, LĐLĐ Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà, Khu kinh tế, công nghiệp, Công đoàn ngành Xây dựng, Công đoàn Giáo dục… 3 năm qua, LĐLĐ tỉnh tổ chức hơn 60 lớp truyền thông và sinh hoạt câu lạc bộ về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gần 30 lớp về phòng chống HIV, tệ nạn xã hội, ma túy, an toàn giao thông. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chỉ đạo và tổ chức triển khai hàng trăm lớp mỗi năm tại các CĐCS, trong đó ưu tiên CĐCS doanh nghiệp, nghiệp đoàn...

 Tuy nhiên, công tác truyền thông trên mạng xã hội của các cấp công đoàn đôi lúc còn chưa có chiều sâu. Thiếu những bài viết có tính định hướng và phản bác các luận điệu sai trái về tổ chức công đoàn Việt Nam. Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác truyền thông qua mạng xã hội, qua việc tổ chức các sự kiện truyền thông; Vẫn còn một số CĐCS không thành lập trang facebook, fanpage do Công đoàn quản lý; số lượng tin, bài đăng tải ít so với chỉ tiêu. Công tác tư vấn pháp luật qua các trang mạng xã hội có khi còn chậm tiến độ.

Công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, văn hóa cơ sở luôn được LĐLĐ tỉnh đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đoàn viên, người lao động, cán bộ CĐ và toàn xã hội. Đánh giá công tác truyền thông Công đoàn tỉnh TT Huế trong những năm qua, đ/c Trần Thị Minh Nguyệt- Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu: Trong công tác truyền thông CĐ những năm tiếp theo, các cấp CĐ trong tỉnh cần chủ động, nhanh, đúng, đủ và trực tiếp thông tin đến với đoàn viên, người lao động; tích cực tham gia chuyển số trong tuyên truyền, tận dụng các kênh truyền thông sẵn có, kết hợp với đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp để chủ động cung cấp, phổ biến thông tin, tuyên truyền giúp đoàn viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu về tổ chức công đoàn; tăng cường giới thiệu, nhân rộng gương người tốt việc tốt trong hệ thống công đoàn để phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, quan điểm sai trái, luận điệu thù địch đối với tổ chức công đoàn góp phần chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh./.

Tuyên Giáo Công đoàn Thừa Thiên Huế

Tư vấn pháp luật

Em là giáo viên tại một trường tiểu học. Em đã được nhận bằng khen của ... 

Trả lời:

Theo định tại Điều 3 Thông tư 08/2013//TT-BNV thì điều kiện nâng bậc lương ...

Xem tất cả

--- Liên kết ---